22 tháng 10, 2016

Bài viết số 1 - lớp 10A17 năm học 2016 - 2017 - Văn cảm nhận và nghị luận xã hội

         Các em học sinh lớp 10 lại sắp bước vào một kì kiểm tra với rất nhiều lo lắng và áp lực của rất nhiều môn học. Riêng với môn Ngữ Văn thì sau viết bài số 1, các em lại phải chuẩn bị kiến thức cần thiết để viết bài số 2. Chắc hẳn sau bài viết số 1 thì các em đã trang bị  cho mình thật nhiều bài học để bài viết số 2 này sẽ hoàn thành tốt hơn, sẽ có kết quả cao hơn so với bài viết số 1.
         Sau đây, xin giới thiệu đến quý thầy cô và các em học sinh hai bài viết đã đọng lại trong em thật nhiều cung bậc cảm xúc. Em rất mong nhận được những nhận xét và góp ý từ quý thầy cô và các em học sinh!

Họ và tên học sinh: Phạm Võ Phương Anh
Lớp : 10A17
Điểm số: 8.5/10 điểm
Nhận xét bài viết:  + Bài viết thể hiện tốt nội dung, nhiều cảm xúc.
                               + Cần chú ý hơn nữa cách diễn đạt và trình bày.
Đề bài: Đề bài: Cảm nghĩ của em trong những ngày đầu tiên bước vào trường THPT Võ Thị Sáu.
Bài làm
          “Thời gian trôi qua mau, chỉ còn lại những kỉ niệm. Kỉ niệm thân yêu ơi sẽ còn nhớ mãi ngôi trường xưa,...”. Một câu hát đầy cảm xúc được thể hiện trong bài hát “Mong ước kỉ niệm xưa” có lẽ sẽ không khỏi khiến những cô cậu học trò như chúng em trong khoảnh khắc phải chạnh lòng ! Chạnh lòng vì thời gian sao trôi mau quá, chạnh lòng vì nhớ về ngôi trường cũ ấy, chạnh lòng vì giờ đây chúng em nào khác những cô cậu nhỏ tuổi phải bỡ ngỡ chập chững bước vào một môi trường mới đó chính là ngôi trường trung học phổ thổng Võ Thị Sáu.
          Bốn năm dài ròng rã trôi qua, tự hỏi tháng năm đi qua nhanh đến lạ thường ? Mùa hè năm nay khác với mùa hè của những năm trước. Mùa hè năm nay bắt đầu với những căng thẳng áp lực của kì thi tuyển sinh, chúng em phải trăn trở phải cố gắng cho chính tương lai của mình. Mùa hè năm nay chúng em phải chia tay với chiếc khăn quàng đỏ, với ngôi trường trung học cơ sở đầy thương mến, với những thầy cô giáo mến yêu, với những đứa bạn thân không biết bao giờ được gặp lại. Mùa hè năm nay rất ngắn. Mùa hè năm nay với em ban đầu chắc có lẽ chỉ toàn sự chia ly !
          Thế rồi, quả thật thời gian trôi một cách vô tình, những tháng ngày căng thẳng buồn bã chia ly đó cũng đã qua đi. Vai tuần cuối của mùa hè, thời khắc giao mùa giữa hạ và thu ấy cũng chính là lúc cảm giác bồi hồi ùa về trong em. Ngưỡng cửa trung học phổ thông thật sự đã đến thật sự khi em biết mình đã đỗ vào ngôi trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu. Tháng tám, tháng của những chùm hoa phượng vĩ chỉ còn sót lại vài nhánh nở muộn, và cũng là những ngày em bước vào ngôi trường mới với những bài học đầu tiên.
          Hoàn thành mọi thứ chuẩn bị cần thiết cho việc nhập học. Ngày nhập học cũng đến, buổi đầu tiên, khoác trên mình bộ đồng phục trông chững chạc so với thời trung học cơ sở. Ấy vậy mà, sau những tháng ngày chia ly hay ôn luyện, cánh cửa đã mở ra với đúng nguyện vọng của bản thân, em vẫn như đứa trẻ mới vào lớp một, vẫn như một cô nhóc ngày đầu học lớp sáu, vẫn đầy những lo lắng và sợt sệt.
          Mọi thứ quả thật đều rất mới từ quang cảnh, ngôi trường, thầy cô và bạn bè. Lúc ấy, với em mọi thứ hoàn toàn là xa lạ. Dù lo lắng, dù sợ sệt nhưng niềm háo hức về những điều thú vị em muốn khám phá về ngôi trường Võ Thị Sáu này đã lấn át tất cả vì em biết đây sẽ là ngôi nhà mới, ngôi nhà thứ hai mà em sẽ “trú” lại tận ba năm. Trong những năm học trước, cứ hết hè em lại quay lại với mái trường thân quen với những hàng cây, ghế đá,... in đậm bao kỉ niệm những lần nghịch ngợm pha trò. Còn năm nay, một chân trời hoàn toàn khác lạ, ngôi trường với những hàng cây, ghế đá có lẽ khang trang hơn, một không gian mới hơn và những dãy hành lang cũng uy nghi hơn, nào là cột cờ, là tượng nữ anh hùng Võ Thị Sáu, là sảnh, là căn tin, mọi thứ thu vào tầm mắt khiến em không khỏi thích thú và xao xuyến với những kí ức của buổi đầu vào trường mới.
          Lớp em được phân công học ở phòng tám khu C gần căn tin ở phía sân trong của trường. Cô chủ nhiệm mới, bạn bè mới, bỗng lòng em đã thầm ước “mình được quay lại học cùng với bạn cũ” nhưng rồi em cũng phải tự an ủi rằng: “Dần dẫn cũng sẽ quen với các bạn ấy thôi”. Cô chủ nhiệm mới của em cực kì dễ thương, có lẽ chính cô cũng đã khiến chúng em bớt đi phần nào sự lo lắng không nên có. Trước đây, khi chưa được mặc đồng phục của trường, em đã ước mơ và khao khát biết bao. Và giờ đây, khi ngày nào cũng được khoác trên mình bộ đồng phục trước đây luôn hằng mơ ước, ngồi gần những người bạn mới mà em chưa từng quen và học những thầy cô mà em chưa từng một lần trước đó được biết đến. Khi niềm khao khát bé nhỏ đã thực hiện được, bỗng chốc em thật sung sướng và chính từ lúc đó, em đã thả bản thân mình để hòa nhập vào môi trường mới này.
          Sau khi tuần đầu học tại trường, giờ đây em đã hoàn toàn bằng lòng với chính nguyện vọng của mình. Mọi thứ với em đều rất tốt, em cảm thấy dường như mình đã lớn, đã trưởng thành hơn cái thời ngô nghê của lứa tuổi trung học cơ sở. Ai ai cũng bảo thời gian này chính là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mỗi người. Những trang vở đầu tiên tiếp tục cuộc hành trình học vấn của mình. Thầy cô tại ngôi trường mới này như thấu hiểu sự bỡ ngỡ của chúng em, thầy cô ân cần chỉ dạy, dặn dò những điều cơ bản cần thiết giúp chúng em hiểu rõ hơn về nội qui của trường. Hai tuần với những tiết học mở đầu đầy hăng say, mọi thứ cứ thế mà nhẹ nhàng lướt qua theo thời gian. Cũng lắm lúc nhìn mọi vật xung quanh, chợt nỗi nhớ mông lung về những hình ảnh của ngôi trường trung học cơ sở xưa cũ. Em vẫn nhớ thầy, nhớ cô, vẫn nhớ hàng cây, vẫn nhớ cái ghế đá, cái bàn học hay cái bảng lớp chỉ là bây giờ phải cất những kỉ niệm ấy sang một bên và đón nhận những kỉ niệm tuyệt vời khác.
          Ấn tượng đầu tiên của em về ngôi trường cấp ba này, chắc có lẽ chính là những xúc động khó tả khó quên vào ngày Khai giảng chào đón Tân học sinh. Buổi sáng đẹp trời với đầy nắng ấm của tiết trời đầu thu. Với tà áo dài trắng thướt tha, em thật sự đã như một nàng thiếu nữ mười lăm tuổi đầu ? Những hồi hợp, những ngỡ ngàng vì đây chính là lần đầu tiên em mặc tà áo dài đi học. Người ta nói, những thứ về lần đầu tiên bao giờ cũng đọng lại trong ta những cảm xúc khó quên. Vả thật như thế, chắc hẳn em sẽ chẳng bao giờ quên được, dù với vẻ ngoài như nàng thiếu nử đứng đắn, tâm trí em lúc ấy vẫn còn như đứa trẻ mới bước vào lớp một. Ngày khởi đầu đầy phấn khởi, chúng em được hân hoan chào đón với tư cách là những Tân học sinh của nhà trường. Ba hồi trống giục giã của Thầy Hiệu trưởng báo hiệu năm học mới bắt đầu, cũng là ba hồi trống ấy nhưng cảm xúc trong em lúc bấy giờ đã khác. Cảnh khác, vật khác nên lòng người cũng thay đổi theo. Giây phút đó, em nhận ra mình đã có một “gia đình mới”. Cây lá xung quanh khẽ “vươn mình” rơi nhẹ vài chiếc lá như cũng muốn nói lời chào “Tân học sinh”. Cũng chính giây phút đó, em biết mình cần ấp ủ những ước mơ rộng hơn nữa, không còn là những khao khát nhỏ bé được khoác lên người bộ đồng phục của ngôi trường cấp ba mong muốn. Thay vào đó là những hoài bão, là những dự định cho tương lai mà ngôi trường Võ Thị Sáu sẽ là bàn đạp, sẽ là “gia đình nhỏ” ở phía sau đốt lên ngọn lửa cho lòng nhiệt huyết, là ánh sáng mới cho tương lai, là nơi sẽ chuẩn bị cho em hành trang để em có thể tự tin mà bước vào cuộc đời. Khâu cuối cùng sẽ là khâu quan trọng nhất, là khâu cuối để hoàn thành một “sản phẩm” tốt và dĩ nhiên trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu sẽ là khâu cuối cùng ấy.

Hình ảnh nhí nhảnh của lớp trong ngày hội "Tân học sinh"
          Nhìn những anh chị lớp lớn đi trước, những “anh chị cả” trong “gia đình nhỏ” đầy tình thương, em chỉ mong có thể mau mau được giống anh chị, rồi chúng em cũng sẽ là những anh chị chào đón lớp “Tân học sinh” mới cho năm sau. Nhưng rồi lại phút chốc lòng nhói lên đến nghẹn ngào, dù biết là mới vô, dù biết mình còn được nghe ba hồi trống giục giã ấy thêm hai lần nữa nhưng thời gian định sẵn là trôi nhanh đến vô tình. Càng được yêu thương, càng được nồng nhiệt chào đón, rồi mai đây khi xa, không được che chở bao bọc dưới những “người lái đò” tận tâm cho sự nghiệp trồng người, viễn cảnh ấy quả thật em chẳng dám nghĩ đến, chỉ có thể mỉm cười và nói thầm trong lòng: “Chắc lúc ấy sẽ buồn lắm !”.
          Mặc kệ thời gian vì đời người có bao lần thanh xuân, càng nghẹn ngào lòng em càng quyết tâm để lại cho mình một thanh xuân thật đẹp. Có lẽ, ngay chính từ bây giờ, tại “ngôi nhà” Võ Thị Sáu này, em phải thật cố gắn cống hiến, thật cố gắng học tập, thật cố gắng tích cóp cho mình những vốn sống, những kiến thức và cả những kỉ niệm tuyệt vời nhất để mai đây, dù có ngày buồn đó khi em đã rời xa, ngoảnh đầu lại nhìn vẫn có thể gượng mỉm cười. Mỉm cười vì tháng năm đó đã cháy hết mình, đã sống hết mình với cái thời học trò cùng với bảng lớp và phấn trắng. Hai tuần đầu tiên, em đã được học, được tiếp xúc với những thầy cô giáo cũng chính là cựu học sinh của trường. Chắc có lẽ, thầy cô không thể được những ngày tháng được bao bọc chở che dưới “mái nhà ấy”, vẫn muốn trở lại để cống hiến cho mái trường thân yêu, đâu đó vô tình bắt gặp hình ảnh của chính mình rồi nhẹ chạnh lòng vì lưu luyến năm tháng thanh xuân ấy.
          Thấu hiểu nỗi buồn đó rồi đôi khi, chỉ muốn đến cạnh thầy cô mà nhỏ nhẽ rằng thầy cô hãy yên tâm vì chúng em sẽ cháy nốt cái thanh xuân ấy với những điều mà đã hứa với thầy cô sẽ cố gắng học thật tốt, cố gắng hoàn thiện bản thân hơn nữa. Dẫu rằng chuyến đò nào rồi cũng phải cập bờ để sang sông nhưng chuyến đò cuối cùng này sẽ là chuyến đò mà em không muốn dừng chân nhất. Sẽ là chuyến đò mà nếu có ước mơ, em sẽ ước mơ cả ngàn cái thanh xuân để được quay trở lại.
          Với em, ngay tại thời điểm này, những hoài niệm về bạn bè cũ hay những điều đã cũ, em sẽ vẫn nhớ nhưng sẽ gác lại, những luyến tiếc vu vơ ấy sẽ bỏ sang một bên, vì giờ đây, ngôi trường mới này đã khiến em cảm thấy mình thật tự hào, thật vui sướng. Tự hỏi bản thân mình có phải em là người may mắn không ? Bạn bè mới mà giờ đã thân như chơi với nhau rất lâu rồi. Em chỉ có thể gắn bó bền chặt với bốn mươi ba thành viên ấy, mãi mãi là gia đình, là A 17 đầy tinh thần đoàn kết và năng nổ, trong học tập lẫn vui chơi. Bạn bè cũ nhất định em không quên, nhưng những gương mặt, những con người ấy sẽ là điều tiếp theo mà em muốn ghi khắc ! Tuổi trẻ cùng những ước mơ và dự định, tuổi trẻ cũng những lần “say nắng” đầy dễ thương và vụng dại. Tuổi trẻ cũng những năm tháng cuối cùng cắp sách đến trường.
          Hoa phượng nở rồi hoa phượng cũng tàn, vòng tuần hoàn như mách bảo thời gian trôi mãi chẳng trở lại. Mỗi giây phút được sống dưới mái trường trung học phổ thông Võ Thị Sái này sẽ là điều mà em tâm huyết nhất. Mỗi ngày đến trường là ngày vui, mỗi ngày gặp bạn bè ấy là điều hạnh phúc. Em không muốn thoáng buồn vì sự chia ly xư ấy nữa. Chắc có lẽ, em yêu trường mới rồi. Yêu hàng cây, ghế đá, bảng lớp, phấn trắng mất rồi.
          Những ngày tháng qua nhanh tiếp theo chắc chắn em sẽ sống hết mình. Được người khác nhắc đến mình là học sinh trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, là điều em sung sướng nhất. Một khởi đầu cho những kí ức diệu kì chờ em nhặt và cất vào trong lòng. Em nhất định sẽ góp sức vào những hoạt động của lớp, của trường. Mong rằng mùa phượng vĩ kế tiếp hãy đừng đến quá nhanh, phượng nở rồi lại rơi nhanh khiến lòng những đứa học sinh chúng em thêm trĩu nặng và thời gian hãy cùng đừng hóa quá vô tình, chậm thôi để chúng em không nhặt sót những kỉ niệm, chậm thôi để chúng em đừng để dang dở bất cứ điều gì. Lòng nhiệt huyết như đang sôi sục thúc giục em hãy đốt sẵn ngọn lửa, cháy hết mình, thanh xuân hết mình cho những ngày tháng là học sinh trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu.

Phạm Võ Phương Anh - 10A17


Hình ảnh của lớp trong một giờ học Văn, có cả tác giả của hai bài viết này, hàng ngồi bạn thứ hai và thứ tư từ trái sang.


Họ và tên học sinh: Nguyễn Hoàng Hạ Tâm
Lớp : 10A17
Điểm số: 8.5/10 điểm
Nhận xét bài viết:  + Bài viết thể hiện đầy đủ nội dung và thông điệp mà câu chuyện mang lại.
                               + Cần chú ý cách diễn đạt và trình bày để bài thêm hay và sinh động.
Đề bài:Từ câu chuyện dưới đây, em hãy bàn luận về vai trò của việc đọc sách và cách chọn sách để đọc:
Cuốn sách và giỏ đựng than
            Có một câu chuyện kể rằng tại một trang trại ở miền núi xa xôi, miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy rất sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông cũng đọc say mê và chưa có một buổi sáng nào ông quên đọc sách. Rồi một ngày, cậu hỏi ông: Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ...
Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và chỉ nói: - Cháu hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé !
Cậu bé liền làm theo lời ông, dù rằng tất cả nước đã chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà. Vào lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể đựng nước vào giỏ được, nhưng cậu muốn cho ông thấy rằng dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến chỗ ông, cái giỏ lại trống rỗng.
-          Ông xem này – Cậu bé hụt hơi nói – Thật là vô ích !
-          Cháu lại nghĩ nó là vô ích ư...- Ông cụ nói – Cháu thử nhìn cái giỏ xem !
Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.
-          Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy.
Bài làm
          Vừa đọc xong câu chuyện “Cuốn sách và giỏ đựng than” chợt em nhận ra một điều khá thú vị về việc đọc sách mà bấy lâu nay không chỉ riêng em mà còn rất nhiều bạn trẻ khác đã bỏ sót và không hề để ý tới. Đấy là việc đọc một cuốn sách, không thể nào đọc một lần là đủ, là hiểu hết thông điệp, ý nghĩa cuốn sách gửi đến bạn đọc. Mà với một cuốn sách, ta cần đọc đị đọc lại nhiều lần để bên cạnh hiểu ý nghĩa của cuốn sách đó còn hiểu sâu hơn về mọi vấn đề ở từng góc độ khác nhau.
          Với câu chuyện “Cuốn sách và giỏ đựng than”, người ông trong câu chuyện muốn đứa cháu hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách và cách đọc một quyển sách sao cho hiệu quả nhất, lĩnh hội được nhiều điều, đưa chúng ta đến những hình ảnh con người, những suy nghĩ, tâm hồn khác nhau. Như việc câu bé lấy giỏ đựng than xách nước đem về theo lời của ông mình nhưng khi về đến nhà thì chẳng còn tí nước nào, và cậu đã vô tình làm cho cái giỏ có một diện mạo mới, sạch hơn đẹp hơn cả trong lẫn ngoài. Tương tự việc đọc sách nhiều lần như thế nào sẽ thay đổi rất nhiều trong con người chúng ta.
          Chúng ta luôn nói: “Con người cần phải đọc sách và tiếp thu những nội dung của sách mang lại nhưng là sao và vì điều gì ?”. Đọc sách là một hành động, một thói quen tốt mà ta nhìn vào mỗi dòng chữ hiểu được ý nghĩa của từng chữ, từng câu muốn nhắn gửi đến chúng ta.
          Vậy tại sao chúng ta lại phải đọc sách ? Ắt hẳn rằng ai trong chúng ta cũng đã nghe những câu danh ngôn về tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, “Sách là người bạn của nhân loại”, “Sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, đúng vậy, sách thực sự là một kho tàng, bởi hầu hết mọi kiến thức, mọi vấn đề, suy nghĩ, tư duy logic, phát minh mới, mọi lĩnh vực của cuộc sống đều được các nhà sáng chế, nhà khoa học, thâm chí là cha ông ta ngày trước đúc kết và lưu giữ lại trong từng quyển sách với mọi lĩnh vực, nội dung quan trọng khác nhau bao quanh đời sống con người. Vì thế dù cho chúng ta có đang ở trong thời đại nào, tiên tiến đến đâu, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ thì sách vẫn luôn là người bạn không thể thiếu. Dù bạn có là ai đi chăng nữa thì bạn vẫn cần một cuốn sách đến tham khảo, nghiên cứu, ôn lại kiến thức, khám phá cái mới. Cả trong ngôn ngữ chúng ta nói hằng ngày, sách cũng là người đồng hành hữu ích, giúp chúng ta biết cách sử dụng sao cho thật hài hòa, hợp lý. Đồng thời sách mở ta cho ta về một thế giới rộng lớn.
          Đọc sách như một cách để trau dồi những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn qua từng bài học ẩn sau mỗi câu chuyện, trau dồi tình yêu với con người, với vạn vật. Giúp trí óc được hoạt động, tư duy lôgic hơn thông qua cách đánh giá từng sự việc ở nhiều chiều trên mỗi con chữ. Ở một khía cạnh khác, đọc sách giúp ta được thư giãn, nghỉ ngơi, tâm tịnh, cảm thấy bình an, an nhiên tự tại chỉ có ta với sách,
          Nói sách quan trọng nhưng không phải vì thế cứ thấy ở đâu có sách là cứ đọc, cứ ép bản thân phải đọc hết cuốn này đến cuốn kia nhưng hóa ra lại không hiểu được nội dung mà sách muốn truyền tải tới. Không hiểu, không biết sách mình đang đọc có phù hợp với mình hay không cả về nội dung lẫn hình thức. Việc chúng ta đọc một cuốn sách có hiệu quả hay không phải dựa vào cách chọn sách và cách mà ta đọc chúng.
          Trước tiên hãy xem cách chọn sách tốt nhất, thông minh nhất của bạn đọc nào. Sách được chia theo lứa tuổi, thể loại và lĩnh vực khác nhau. Đó là lý do vì sao khi bước vào bất kỳ nhà sách nào cũng vậy, ta đều thấy sự sắp xếp, phân chia từng thể loại, lĩnh vực của sách. Như thiếu nhi có thể đọc sách và truyện dành riêng cho thiếu nhi, học sinh cũng có sách riêng: sách giáo khoa, sách tham khảo...Ai yêu thích văn học sẽ có sách văn học cả trong và ngoài nước. Ai thích kinh doanh thì đọc về kinh tế. Ai thích khám phá phiêu lưu thì đọc truyện trinh thám...Mỗi người một sở thích, một cảm nhận, chỉ có đọc những quyển sách mình thích mới có thể toàn tâm để thấu hiểu nội dung mà cuốn sách muốn gửi đến. Giữa những quyển sách luôn có sự liên kết với nhau nên khi hiểu cuốn sách này, lĩnh vực này ta sẽ thấy sự nối kết giữa các lĩnh vực. Và quan trọng là phải tìm đọc những cuốn sách có nội dung, đề tài tốt, tránh chọn những nội dung xấu, gây hại cho tâm hồn ta. Hãy chọn những quyển sách hay để hướng ta đến những cái chân – thiện – mĩ của cuộc sống.
          Có trong tay một quyển sách hay điều chúng ta cần làm là đọc để biết được nhiều kiến thức hay. Cầm một quyển sách trong tay, không thể nào đọc vội đọc vàng mà phải đọc từng câu chữ. Nếu đọc vội vàng sẽ gây cho chúng ta cảm giác lượng kiến thức quá tải nhưng không thể nào tiếp thu, ghi nhớ. Ta phải đọc sách từ từ, chậm rãi có lúc nghỉ lúc dừng để thông suốt những gì ta vừa đọc. Sau khi đọc xong một quyển sách đừng nên vội để cuốn sách sang một bên mà hãy tóm tắt lại những gì ta đã đọc được rồi rút ra chân lý cho bản thân. Kế đó hãy đọc đi đọc lại nhiều lần quyển sách đó. Cứ thế qua một thời gian, ta sẽ thấy cùng với một nội dung mà được đọc nhiều lần ta lại thấy được nhiều cái mới cái hay ở từng góc độ khác nhau ẩn bên trong nội dung, vấn đề mà một lần đọc ta chẳng thể nào biết được.
          Từ việc chọn sách và đọc sách đúng cách là ta đã và đang bổ sung cung cấp cho trí nhớ ta những kiến thức vô cùng bổ ích và hữu dụng, áp dụng kiến thức đã đọc vào thực tiễn, xây dựng thành công, phát triển sự nghiệp. Ngày qua ngày, ta đọc từ từ, chậm rãi đến một lúc nào đó, ta vô tình nhìn thấy được cả kho tàng khổng lồ về kiến thức của nhân lại và cả bên trong con người đang dần thay đổi, nhân cách được nâng cao cùng với kiến thức.
          Đọc sách không kể chi lứa tuổi, giới tính, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể đọc sách, duy trì thói quen đọc sách để nâng cao trình độ tri thức của mình. Điển hình là các bậc hiền nhân không giây phút nào là không trau dồi kiến thức của mình bằng việc đọc sách.
          Thật không thể ngờ việc chọn và đọc sách lại có tầm ảnh hưởng lớn đến vậy. Qua câu chuyện “Cuốn sách và giỏ đựng than” em càng nhận ra rằng bên cạnh việc chọn và đọc sách đúng thì từ người ông mà thông qua cách ông đã giáo dục cháu của mình, em còn biết thêm một điều rằng đọc sách còn có thể rèn luyện được bản thân, nâng cao nhân cách của mình và trí tuệ. Như câu nói của A . U - Pit: “Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời”.
Nguyễn Hoàng Hạ Tâm – 10A17




21 tháng 10, 2016

Bài viết số 1 - lớp 10A12 - 2016-2017 - Cảm nhận

Các em học sinh khối 10 sắp làm bài viết số 2 rồi. Không biết sau bài viết số 1 các em đã có thêm bài học để làm bài viết số 2 tốt hơn chưa? 
Xin giới thiệu tới thầy cô và các em học sinh một bài viết để lại cho mình khá nhiều cảm xúc. Đặc biệt hạnh phúc khi thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ của các em!
Mong nhận được nhận xét từ thầy cô và các em học sinh!

Họ và tên học sinh: Hồ Nguyễn Quang Thông
Lớp 10A12
Bài viết số 1: 8.3/10 điểm
Nhận xét bài viết: Bài viết cảm xúc tốt, thể hiện được sự trưởng thành trong 
                                suy nghĩ, sự quan sát tỉ mỉ. 
                                Chú ý một số lỗi diễn đạt, trình bày. 

Đề bài: Cảm nhận của em trong những ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông.
BÀI LÀM
Những tháng ngày vui vẻ, hồn nhiên bên mái trường cấp hai thân yêu khép lại, ở nơi đó vẫn còn nguyên những niềm vui xen lẫn sự tiếc nuối vì nhiều điều tôi đã bỏ lỡ chẳng thể nào quay lại được. Nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều cơ hội, vẫn ở đó chờ tôi chộp lấy, tìm lại cho mình những cảm giác của tuổi học trò, yêu và được yêu thương trong ba năm cuối khoác trên mình chiếc áo học sinh dưới mái trường trung học phổ thông này.
Nếu tự kể về bản thân trong những năm đầu học cấp hai, có thể nói tôi là một thằng nhóc khá nhút nhát, thân hình mập mạp, chẳng có gì nổi trội. Hồi đó tôi cũng không mấy hứng thú việc chụp ảnh nên hiếm kiếm được tấm ảnh nào cho tôi hình dung lại. Những kỉ niệm với lớp cũ tôi hoàn toàn không nhớ nổi vì chẳng mấy khi tôi tham gia các hoạt động. Tôi chỉ hình dung quá khứ của mình mãi cắm mặt vào các trò chơi điện tử qua ô vuông máy tính. Đó cũng chính là điều tôi hối hận vì phung phí quãng thời gian không sao lấy lại được khi chỉ nằm một chỗ, đó chẳng phải là việc của những người già đã sống gần hết cuộc đời mình hay sao?
May mắn thay, tôi đã kịp nhận ra, thức tỉnh lại khi chuẩn bị bước vào môi trường cấp ba. Tự hứa với bản thân sẽ thể hiện hết mình. Số phận đã sắp xếp tôi vào lớp A12. Nơi đây, với nhiều gương mặt mới lạ, tôi được gặp những người đặc biệt: có người rất giỏi, có những người tài năng và cả những người chung “chí hướng” – muốn sống hết mình trong những năm tháng học sinh. Họ giúp tôi cởi mở, họ giúp tôi thay đổi và có cả những người đứng sau lưng thúc đẩy tôi trở nên tốt đẹp hơn. Những người bạn mới cũng vô cùng thân thiện, chắc có lẽ cũng đã trải qua chín năm cuộc đời học sinh nên việc kết bạn diễn ra vô cùng nhanh chóng, chỉ sau một ngày đã cất nhau tiếng gọi “Mày, tao”. 
Hình ảnh lớp 10A12 - Nơi "số phận đã sắp xếp tôi vào" (CLB Nhiếp ảnh VTS)
Thầy cô cũng là một điều khác biệt so với cấp hai. Nhiều thầy cô khá trẻ nên các thầy cô cũng hiểu được phần nào tâm lý học sinh, làm các buổi học trở nên vui tươi, sôi động. Còn có các thầy cô thực tập, vô cùng thân thiện, mặc dù không xuất hiện nhiều nhưng luôn theo sát lớp, giúp đỡ và cùng tham gia các hoạt động vui chơi, học tập.
Vào học chưa đầy một tháng thì lễ đón “Tân học sinh” được tổ chức, một lễ hội dành riêng cho các tân thành viên của đại gia đình trường Võ Thị Sáu. Có thể nói, đây là một trong những kỉ niệm khó quên. Ngày hôm đó, tôi đã sống hết mình trong cuộc đời học sinh. Tôi thực sự cảm nhận mình đã trở thành một thành viên của lớp khi lá cờ do chính tay tôi thiết kế được chị hướng dẫn viên lớp vẫy trước toàn trường. Nhớ khi xưa, mọi hoạt động của lớp tôi thường ít khi quan tâm, có khi trốn tránh. Buổi lễ nào tôi cũng lẳng lặng ngồi trên chiếc ghế khán giả, nhừng cho các bạn khác tỏa sáng. Vậy tại sao tôi lại không tham gia? Vì lười? Vì ngại bị chê cười khi đang đứng trên sân khấu? Tất cả những nguyên nhân đó dần tạo thành một cái kén vô hình, nó giam giữ lấy tôi trong một không gian chật hẹp không có ánh sáng, nó lấy đi tầm nhìn của tôi về một tương lai đẹp đẽ phía trước. Cái kén ấy cũng che đi sự hiện diện của tôi, khiến người đi ngang cũng chẳng thấy gì đặc biệt để nhớ về tôi. Nhưng trong ngày hội đó, vỏ bọc đó lần đầu được phá vỡ, không biết vì mình đã trưởng thành hơn hay nhờ sự động viên của bè bạn, tôi đã tự mình đứng trên sân khấu trong một nhóm nhảy nhỏ. Tuy chỉ ở vai trò phụ nhưng tôi cảm nhận rõ chiếc kén ngày nào đang dần mở rộng ra và bên ngoài chiếc kén ấy là những người bạn dang tay chào đón tôi hướng về một tương lai đẹp hơn.
Hình các em học sinh trong lễ đón Tân học sinh 2016 (CLB Nhiếp ảnh VTS)
Nhưng có một điều làm tôi ấn tượng mãi, đó là các anh chị trong các câu lạc bộ của trường. Các anh chị tuy chỉ hơn chúng tôi một hai tuổi nhưng ai cũng có tài năng riêng. Như các anh chị câu lạc bộ Guitar, ai nấy đều đàn và hát rất hay. Câu lạc bộ mỹ thuật thì tràn đầy những con người mơ mộng, với những nét vẽ bay bổng, lung linh trên trang giấy. Và câu lạc bộ nhiếp ảnh, theo tôi đó là câu lạc bộ quan trọng nhất trong các hoạt động của trường. Ở bất cứ lễ hội nào đều xuất hiện một nhân vật lặng lẽ cầm máy ảnh, không ngần ngại nắng mưa chộp lấy những khoảnh khắc đáng nhớ của mọi người. Từ một người khi xưa khá ghét việc chụp ảnh, cho đến khi nhìn những tấm hình từ các nhiếp ảnh gia tài năng trong câu lạc bộ, tôi có cảm giác yêu thích hơn các bức ảnh chứa đựng nụ cười, tâm hồn và một khoảng thời gian tuyệt đẹp đã trôi qua. 
Nhưng có một câu lạc bộ mà tôi đã quyết định sẽ trở thành ngôi nhà mới của mình trong những năm tháng còn học tại đây, đó là câu lạc bộ tình nguyện của trường – “Mắt bão”. Nếu các câu lạc bộ khác đảm nhiệm các tiết mục trên sân khấu thì câu lạc bộ Mắt bão sẽ giúp các tiết mục được hoàn thiện nhất. Sự hiện diện của họ ở khắp mọi nơi, từ người MC hài hước cho đến những anh chị phụ trách các công việc lặt vặt. Không chỉ vậy, hình ảnh các anh chị vô cùng đẹp qua các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo. Và trong lễ đón tân học sinh, có một hình ảnh làm tôi nhớ mãi, khi trời mưa to, chiếc bạt che của trường không chịu được sức ép và rơi xuống. Các anh chị mặc cho cơm mưa xối xả, ra sức dọn lại chiếc bạt che đó. Một hình ảnh có thể chưa là gì to tát nhưng khi nhắc đến Mắt bão, hình ảnh ấy sẽ mãi xuất hiện trong tim tôi.
Hình ảnh CLB Mắt bão đang "ra sức dọn dẹp chiếc bạt che" đổ vì mưa 
(CLB Nhiếp ảnh VTS) 
Gương mặt chủ nhân bài viết - Quang Thông (CLB Nhiếp ảnh)
Cũng đã hơn một tháng kể từ ngày bước chân vào ngôi trường thân yêu, gặp những người bạn bè và thầy cô sát cánh cùng ước mơ, cùng những người chung chí hướng, tôi thấy mình như đang tự cất đôi cánh nỗ lực sống một cuộc sống học sinh thật ý nghĩa!



18 tháng 10, 2016

GIỚI THIỆU TRANH VẼ MINH HỌA TRUYỆN "TẤM CÁM" LỚP 10A10, 10A12, 10A16


    Trong giờ học tác phẩm "Tấm Cám" vừa qua, các em học sinh đã nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động khiến giờ học sinh động, hấp dẫn như đóng kịch, ca hát, trò chơi, vẽ tranh. Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu của các lớp, xin phép giới thiệu tới quý thầy cô và các em học sinh.


Vàng ảnh vàng anh - Nhóm vẽ tranh lớp 10A16






Thị ơi thị rụng bị bà - Nhóm vẽ tranh 10A12



Bống bống bang bang - Hoàng Huy, Quốc Thắng, Đức Trí 10A13



Đón Tấm về cung - Nhóm vẽ tranh 10A12


Ông Bụt - Nhóm vẽ tranh 10A16



Âm mưu cô Cám - Nhóm vẽ tranh 10A12


Cô Tấm đi hội - Nhóm vẽ tranh 10A12

Thương con bằng hại con - Nhóm vẽ tranh 10A16

Cô Tấm nuôi Bống - Thanh Ngân, Thanh Thảo 10A10


Thị rụng bị bà - Nhóm vẽ tranh 10A16

Nỗi long cô Cám - Nhóm vẽ tranh 10A16

Chim sẻ giúp Tấm lựa thóc - Nhóm vẽ tranh 10A16


Âm mưa bắt Bống - Nhóm vẽ tranh 10A16

Bống bống bang bang - Nhóm vẽ tranh 10A12

Bống bống bang bang - Nhóm vẽ tranh 10A16

17 tháng 10, 2016

Bài số 1-10A1-03-2016-2017-An DV-MC-TT

Tên: Nguyễn Thành Công
Lớp 10A1-Stt: 03
BÀI VIẾT SỐ 1: 8.0/10 điểm
Đề 4: An Dương Vương đã tự tay chém đầu người con gái duy nhất của mình nhưng dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau. Cách xử lí như vậy nói lên điều gì trong đạo lí dân tộc ta?
Bài làm
Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thủy được trích từ truyện "Rùa Vàng" ra đời vào cuối thế kỉ XV. Truyện được truyền qua lời kể của nhiều thế hệ. Tuy là truyền thuyết nhưng cũng đã thể hiện lên tâm lòng , tinh thần yêu nước của dân tộc ta. "Truyện An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy" là một trong những truyền thuyết thấm đượm tinh thần nhân văn, thể hiện sâu sắc tấm lòng nhân đạo của các tác giả dân gian. Nhưng vào đoạn cuối của của truyện, vua An Dương Vương đã tự rút gươm chém đầu con gái duy nhất của mình vì dám phản nước, đặt trái tim lên đầu. Vậy vì sao nhân dân ta lại xây dựng am thờ 2 cha con ngay cạnh nhau?==>1.0
Vua An Dương Vương xây thành ở đất Việt Thường nhưng xây đến đâu thì lở đến đó. Nhờ sự giúp đỡ của Rùa Thần nên không bao lâu thành xây xong. Trước khi ra về Rùa Thần đã thào vuốt đưa cho nhà vua để làm nỏ thần bảo vệ Loa Thành và đất nước. Không lâu sau thì quân Đà kéo sang xâm chiếm nhưng thất bại rất nặng nề. Sau chiến thắng, quân Đà đầu hàng và làm hòa với vua An Dương Vương nhằm cho hoàng tử của nước Triệu Đà tức Trọng Thủy lấy công chúa Mị Châu. Vì quá tin tưởng chồng nên đã làm mất nỏ thần dẫn đến mất nước, vua An Dương Vương đã tự tay chém đầu con gái mình rồi cùng Thần Rùa xuống biển.(1.0/1.5)
Tấm lòng nhân đạo của dân tộc ta trong câu chuyện được thể hiện qua phản ánh lịch sử thông qua những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, nhiều chi tiết thần kì mà vẫn thấm đẫm cảm xúc đời thường. Truyền thuyết truyện An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thủy chỉ xoay quanh có ba nhân vật chính là vua An Dương Vương, cô con gái Mị Châu và Trọng Thủy là chồng cô nhưng mỗi hành động cử chỉ của mỗi nhân vật cũng đã xây và hình thành một cốt truyện hết sức độc đáo. Đối với nhân dân ta, vua An Dương Vương là một vị anh hùng, là một trong những vị vua có công đầu trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước. Tác giả đã đưa vào truyện những thế lực kì ảo để nhằm đề cao tính chất đúng đắn của việc xây thành đắp lũy. Như ta đã thấy, hành động xây thành của nhà vua luôn được nhân dân và các yếu tố kì ảo đó chấp nhận và đồng tình ủng hộ cho thấy vua An Dương Vương là người có công xây dựng nước nhà và sự cảm thông của nhân dân cả nước đối với ông. Cho nên ADV vẫn được  lập đền thờ  để ghi nhận công lao của ADV đã xây thành, chế nỏ, giữ nước. ==> 2.0/2.5 
Còn về Mị Châu, nàng là cô công chúa, người con gái duy nhất của An Dương Vương. Nàng là người có tội đối với cả nước Âu Lạc, là mấu chốt, nguyên nhân gây nên việc mất nước. Vì là một công chúa của nước Âu Lạc nên lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác với việc riêng tư của mình. Nhưng ngược lại, Mị Châu vì quá hiền lành mà đã tin tưởng chồng mình (Trọng Thủy), vô tình đặt trái tim lên đầu, quên mất nghĩa vụ của mình đối với đất nước đã dẫn đến nước mất nhà tan. Qua đó, Rùa Vàng không ngại ngầng gì mà nói nàng là giặc, khiến cho nàng phải nằm xuống trước lưỡi kiếm của vua An Dương Vương, đó là hành động quyết liệt, dứt khoát của nhà vua, đó cũng là thay mặt công lí nhân dân nước Âu Lạc để xử tội Mị Châu.Tuy rằng việc làm của Mị Châu là không thể chấp nhận nhưng nhân dân ta vẫn rất khoan dung cho tấm lòng của nàng, nàng bị oan, vì quá ngây thơ trong sáng mà đã bị lừa mất. Và để minh oan cho tấm lòng trong sáng ấy, tác giả đã cho Mị Châu sau khi chết sẽ biến thành hạt châu, đó là minh chứng cho sự vô tình gây tội của Mị Châu và lòng thương xót của nhân dân ta đối với nàng. Tác giả đã mượn hình ảnh ngọc trai vì nó tượng trưng cho những gì trong sáng và thanh cao nhất. Việc nhân dân ta dựng am thờ và đền thở của hai cha con An Dương Vương và Mị Châu là muốn thể hiện sự  bao dung, để tình cảm của cha con được vẹn toàn sau khi chết và quan trọng nhất là tấm lòng nhân đạo của dân tộc ta.==> 2.0/2.5
Việc dân gian lại dựng đền và am thờ hai cha con ngay cạnh nhau ẩn chứa nhiều bài học sâu sắc. Người xưa muốn nhắc nhở thế hệ sau phải biết xử lí đúng đắn giữa chuyện riêng và chuyện nước, chuyện cá nhân và cộng đồng. Hơn thế nữa, thế hệ trước muốn nhắc chúng ta xây dựng đất nước, bảo vệ đất nước là 2 việc làm song song, không được ngủ quên trên chiến thắng, không được lơ là mất cảnh giác trước dã tâm xâm lược của kẻ thù .Nếu không "nước mất nhà tan''. Phải chăng đó chính là triết lý sâu sắc mà nhân dân muốn gửi gắm khi đạt đền thờ ADV cạnh am thờ MC?==>1.0/1.5 
Tóm lại, dân tộc ta có một tấm lòng nhân đạo thật sâu sắc, tuy việc chém đầu Mị Châu sẽ gây nên những vấn đề tiêu cực của tình cha con nhưng nhân dân ta đã xây dựng đền thờ và am thờ của họ gần nhau để tình cảm vẫn còn vẹn toàn như xưa. Qua truyền thuyết truyện An Dương Vương và Mị Châu-Trọng Thủy ta cũng rút ra được bài học là phải luôn nghiêm chỉnh, không được lơ là trước chuyện đất nước, luôn đặt chuyện đất nước lên trước việc riêng, cá nhân của bản thân.==> 0.5/1.0
==> Thiếu PHHĐ và liên hệ thức tiễn
==> +0.5 bài viết có hình minh hoạ