4 tháng 11, 2010

Sự chăm chỉ của loài Kiến

Nguyễn Hương Giang
Lớp: 10A8
Kiến tha lâu đầy tổ
-------------------------------
Chúng ta thường nói: thiên tài chỉ là 1%, còn 99% là mồ hôi và nước mắt. Đúng vậy, để có được thành công trong bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống, trong nghiên cứu khoa học,... con người cần có sự cố gắng, nỗ lực lao động rất nhiều. Không có sự thành công nào lại đến với chúng ta một cách dễ dàng. Vì thế ông cha ta ngày xua có câu: “Kiến tha lâu đầy tổ” để đề cao đức tính chăm chỉ của con người.
Trước hết ta hãy tim hiểu ý nghĩa của câu: ”Kiến tha lâu đầy tổ”. “Kiến” là một loài vật tuy nhỏ bé nhưng rất chăm chỉ, chịu khó. Ở đây có ý chỉ những người cần cù, siêng năng. “Tổ” ở đây muốn chỉ thành quả mà ta đạt được. Ý nghĩa của cả câu muốn nói: Trên con đường đi đến những thành công, đến với đỉnh cao vinh quang, thắng lợi,... thì không thể có những kẻ lười biếng đi được đến đích; mà chỉ có những con người luôn chăm chỉ học tập, lao động để vượt qua mọi khó khăn thử thách, những chông gai trên đường đi,... mới đạt được những gì mình mong muốn. Câu nói rất đúng đắn, sâu sắc khuyên răn con người,ở bất kì lứa tuổi nào, thời đại nào phải nỗ lực lao động, cố gắng hết sức mình để đạ được thành công, niềm vui và hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống.
Chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Người có tính chăm chỉ luôn đạt được những gì mình mong muốn trong cuộc sống. Ví dụ như trong học tập, học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường cái đích cuối cùng là tốt nghiệp được các cấp học và ra trường để có ngành nghề, tạo lập cuộc sống cho mình, họ phải vượt qua được những khó khăn, thử thách, chăm chỉ lao động, học tập, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đạt được mục đích đó. Trong công việc, nếu ta muốn hoàn thành tốt cộng việc được giao, ta phải tập trung, cố gắng hoàn tất công việc một cách cẩn thận, thì hiệu quả công việc mới cao được. Trong lao động, nếu ta chịu khó, chăm chỉ thì năng suất lao động sẽ được nang cao. Một ví dụ điển hình như nhà khoa học Thomas Edison đã tiến hành hơn 1000 thí nghiệm để tìm ra dây tóc cho bóng đèn ngày nay. Ngay cả thiên tài cũng phải lao động miệt mài, cật lực, chăm chỉ mới có thể thành công và đem thành quả cùa mình để góp phần cho sự phát triển cùa thế giới.
Trong khi mọi người cố gắng chăm chỉ học tập, cố gắng phấn đấu để đạt được thành công trong cuộc sống thì còn có những người lười biếng, ỷ lại, không phấn đấu trong học tập. Nhiều người cho rằng mình thông minh, là tài năng không cần học chăm chỉ mà chỉ cần học lướt qua, không rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo trong học tập. Đến khi vào công việc, bài học cụ thể thì không giải quyết được đúng quy trình dẫn đến sai kết quả. Cũng có không ít người vì quá ham chơi mà sa ngã vào các tệ nạn xã hội, nhiều người đã phải trả giá rất đắt cho sự lười biếng, không chăm chỉ học tập, lao động,.. của mình.
Để thành công trong cuộc sống, ta phải chăm chỉ học tập, làm việc,.. thì mới có kết quả được như mong muốn. Trong xã hội, thế hệ trẻ có rất nhiều người đã thành công trong học tập, lao động, công tác trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là nhờ quá trình chăm chỉ học tập, lao động, nghiên cứu,... Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần phải không ngừng  học tập, trau dồi kiến thức, đạo đức để tự thân lập nghiệp, đạt được thành công trong cuộc sống.
Đức tính chăm chỉ là một đức tính quý báu của con người. Vì vậy ta phải siêng năng, chăm chỉ, nỗ lực hết sức để đạt được mục đích sống, niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời mình, để thành đạt trong xã hội, làm đất nước thêm phồn vinh, phát triển, sánh ngang với các nước trên thế giới

Sự tự tin

Họ  và tên: Trần Trung Nghĩa-24
    Lớp: 11A8
Đề: Suy nghĩ của anh (chị) về đức tính tự tin
---------------------------------
    Trong thực tế cuộc sống, ta có thể thấy được rất nhiều những danh nhân, những con người thành đạt với sự thành công trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta thường hay đặt câu hỏi rằng tại sao và bằng cách nào mà những người như thế có thể tiếp cận được sự thành công, ngoài những đức tính, phâm chất cần thiết như sự chăm chỉ, tài năng, linh hoạt trong giao tiếp, may mắn,… Để có được những sự thành đạt như thế, con người cần có một phẩm chất không kém phần quan trọng ở thời đại này, đó chính là sự tự tin. Vậy sự tự tin là gì và nó có tầm quan trọng như thế nào trong cuộc sống mỗi con người?
    Tự  tin là tin vào chính bản thân mình, tin vào chính giá  trị, những phẩm chất tốt đẹp đang tồn tại bên trong con người mình, tin vào những thành công, những thành quả mà mình đã đạt được trong quá  khứ để vững bước đón nhận những thử thách mới trong tương lai; tin vào tài năng của mình, những ước mơ tốt đẹp mà mình theo đuổi và tin rằng dù có phải thất bại đi chăng nữa, mình vẫn có thể thực hiện được nó ở những lần sau. Tự tin trái ngược với sự hèn nhát, rụt rè, thiếu niềm tin vào bản thân và lo sợ phải thất bại, không dám theo đuổi ước mơ. Sự tự tin trong cuộc sống có thể được biểu hiện ở những việc làm nhỏ nhất như tự tin thuyết trình bài học trước lớp, tự tin đóng góp phát biểu ý kiến của mình cho tập thể lớp; cho đến những việc làm lớn hơn như công bố phát minh của một nhà khoa học hay một nhà văn cho ra đời  tác phẩm của mình trước công chúng, và còn rất nhiều biểu hiện của sự tự tin trong cuộc sống mà hcúng ta không thể kể hết.
    Tự  tin là một phẩm giá mà mỗi cá nhân cần phải hướng tới và rèn luyện để có thể tồn tại và phát triển trong cuộc sống và sự nghiệp. Với sự tự tin, chúng ta sẽ tạo được một nền móng vững chãi trong tâm hồn, một bản lĩnh vững chắc của bản thân, từ đó chúng ta có thể xác định rõ rang rằng: chúng ta là ai trong cuộc đời này, xác định rõ con đường hcúng ta sẽ đi trong cuộc đời, sự nghiệp. Chỉ có thế chúng ta mới có thể hình thành và theo đuổi ước mơ đúng đắn của chính bản thân mình, cũng là thể hiện bản thân. Đồng thời, sự tự tin trong cuộc sống hay công việc thường nhật mang đến cho ta khả năng quyết đoán trong việc lựa chọn khi mắc phải những vấn đề cần sự giải quyết. Những sự lửa chọn có thể là rất nhỏ như chọn đề trong một bài kiểm tra Văn hay lớn hơn là sự chọn ban ngành, công việc mà chúng ta sẽ làm trong tương lai, dù là lớn hay nhỏ thì sự tự tin và quyết đoán cũng đều ảnh hưởng đến kết quả mà chúng ta đạt được sau này. Nếu không có sự tự tin thì làm sao chúng ta dám chọn đề văn khó hơn trong khi chúng ta đủ khả năng làm được, hay là chọn ban ngành mà mình yêu thích để mà theo đuổi. Kế đến, người tự tin sẽk hông ngần ngại trước bất cứ một công việc nào dù công việc đó có quá sức với họ đi chăng nữa và họ có thể thất bại. Qua đó, ta có thể thấy được: tự tin như một nguồn động lực giúp cho ta có thể chấp nhận đương đầu với những thử thách trong cuộc sống, dù thành công hay thất bại thì đó cũng là cơ hội để chúng ta học thêm những kiến thức mới, phát hiện, đào sâu những phẩm chất tồn tại bên trong con người chúng ta mà bấy lâu naychúng ta không biết. Nếu ta không chịu đứng ra thuyết trình bài học của mình trước lớp thì làm sao chúng ta có thể biết kĩ năng nói của mình đến đâu để mà sửa chữa, bồi dưỡng? Quan trọng hơn, sự tự tin sẽ tiếp cho ta thêm sức mạnh và nghị lực để có thể vượt qua thất bại, khó khăn trước mắt để tiến lên phía trước, đồng thời cũng là chìa khóa dẫn đến thành công trong công việc. Điển hình cụ thể hơn: những người nói tiếng Anh giỏi chắc chắn phải có nhiều lần đứng ra nói chuyện với người khác, người nước ngoài bằng tiếng Anh, cũng phải vấp những lỗi về ngữ pháp, cách dùng từ, nhưng sự tự tin trong giao tiếp đã giúp họ vượt qua và đạt được thành công trong việc học ngoại ngữ. Cuộc sống luôn đầy rẫy những thử thách, nếu chúng ta không tự tin, tin vào chính mình để vượt qua thì thành công sẽ khó mà đến với chúng ta.
    Hầu như ai cũng biết, tự tin là một kĩ năng, phẩm chất cần thiết cho con người. Thế nhưng không phải ai cũng có trong người sự tự tin ấy. Trong cuộc sống, chúng ta vẫn quan sát thấy được những người nhút nhát, thiếu niềm tin vào bản thân, hay thích dựa dẫm vào kẻ khác, vào cha mẹ, dẫn đến sự thiếu kĩ năng và kiến thức cần thiết. Điển hình là một số bạn trẻ, dù đã bước sang tuổi trưởng thành rồi mà vẫn không tự tin dấn thân vào đời, tự lập để mà kiếm sống, vẫn ăn bám vào cha mẹ cung cấp, kĩ năng sống thì không có, sống vật vờ vô ích như một người thừa của xã hội. Một số kẻ còn thiếu tự tin đến mức không dám chấp nhận những thử thách trong công việc, để hco những cơ hội thăng tiến bay qua mà không muốn nắm bắt vì sợ thất bại, không tin vào những khả năng của bản thân mình có thể làm được. Trong việc chọn ngành nghề của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, đa số các bạn học sinh đều thi vàon hững trường như Kinh tế, Bách khoa, Ngoại thương,… với những ngành thật “hot” có thể gặt tiền nhiều mà không nghĩ đến tài năng của mình không thuộc những phạm trù của những ngành nghề ấy, không tự tin vào năng lực thực của mình mà chỉ muốn a dua theo kẻ khác. Tệ hơn nữa là có một số người tự tin quá mức đâm ra chủ quan, tự phụ vào chính bản thân mình, xem trọng và đề cao cái tôi của mình, xem thường người khác. Ắt hẳn khi còn bé, chúng ta đã đều được đọc truyện ngụ ngôn “Rùa và Thỏ”, Thỏ đã chủ quan quá mức nên thua ê chề trong cuộc đua với Rùa. Những người chủ quan như thế sẽ khó tránh khỏi thất bại. Đồng thời, hcúng ta cũng cần phải hiểu tự tin thôi vẫn chưa đủ để dẫn đến thành công, cần có sự hỗ trợ của đức tính khác như cần cù, sự khéo léo, linh hoạt trong công việc,… và cả sự giúp đỡ của người khác để vươn tới thành công mai sau.
    Việc rèn luyện một phẩm chất cho mình là một việc không dễ dàng thực hiện. Là một học sinh, trước tiên em phải ra sức học tập thật là tốt để tạo cho mình một nền móng kiến thức thật vững chãi, không ngừng ra sức học hỏi để phát huy tài năng bản thân. Từ đó, em có thể thực hiện việc rèn luyện từ những công việc làm nhỏ nhất như tự tin giơ tay phát biểu ý kiến của mình trước lớp, khắc phục sự rụt rè sợ sai khi phát biểu xây dựng bài học, kế đến nữa, em sẽ tham gia các hoạt động của trường, lớp, đoàn thể, tự tin trong giao tiếp và dũng cảm xung phong nhận lãnh những trách nhiệm phù hợp với sức của mình để thực hiện nó. Đến kì thi Đại học, sẽ chẳng có lí do gì để em từ hcối thi vào trường Xã hội nhân văn khoa Tâm lý học, theo đuổi ước mơ của chính em. Về phía gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý rèn luyện đức tính tự tin cho con em mình ngay từ khi chúng còn nhỏ, như khen con khi con làm việc tốt, tôn trọng, khuyến khích những quyết định riêng tư chính đáng của con cái và biết lắng nghe, động viên, an ủi chúng khi cần thiết. Về phía nhà trường và xã hội, cần có những buổi hội thảo dành cho giới trẻ về “sự tự tin”, giáo dục một cách rõ ràng mà không sơ sài chung chung, gần gũi mà không cứng nhắc và lý thuyết suông, gần gũi với thực tế cuộc sống của chúng em, chú trọng hơn về việc tư vấn tâm lí tuổi vị thành niên, định hướng tương lai cho học sinh.
    Tự  tin là chiếc chìa khóa dẫn đến sự thành đạt trong cuộc sống, vậy chúng ta hãy rèn luyện nó ngay từ bây giờ để trở thành một con người năng động , bản lĩnh trong xã hội, tồn tại một niềm tin mãnh liệt vào bản thân trước chông gai cuộc đời
------------------
Trần trung Nghĩa - 11A8

30 tháng 10, 2010

Giới thiệu chung về Blog

-Blog http://hocvan.blogspot.com/ là nơi chia sẻ, trao đổi các bài văn do HS trường THPT Võ Thị Sáu TP.HCM viết trong các kì kiểm tra. Bản quyền các bài làm thuộc về GV và HS trường VTS. Đây là sản phẩm của Chuyên đề Tổ Văn VTS năm 2010-2011.

-Các bạn có quyền tham khảo tất cả các bài viết đăng trên Blog này để tích lũy kinh nghiệm viết Văn NLXH,NLVH, tham khảo các ý tưởng có trong các bài viết để làm giàu tri thức và vốn hiểu biết, vốn sống...cũng như tham khảo những kỹ năng, lập luận,các thao tác... cần thiết để viết một bài thi.

-Các bạn cũng có quyền trao đổi ý kiến của mình xung quanh các đề tài đã công bố, phản hồi các ý kiến trao đổi... bằng cách nhấp vào đường liên kết có chữ "Nhận xét" ở cuối các bài viết và trực tiếp ghi ý kiến của mình vào ô "Để lại nhận xét của bạn" rồi nhập "Xác minh từ" căn cứ vào những từ hiển thị trên màn hình, rồi chọn Ô "ID mở" hoặc "Tên/URL" VÀ LÀM THEO HƯỚNG DẪN). Rồi nhấp chọn "Công bố nhận xét của bạn".



-Người nhận xét cũng có thể xem trước lời nhận xét của mình bằng cách chọn "XEM TRƯỚC", nếu đồng ý mới chọn "CÔNG BỐ NHẬN XÉT CỦA BẠN"

-Rất mong nhận được nhiều ý kiến, chia sẻ, tranh luận... của các bạn để tất cả chúng ta có thêm nhiều kiến thức và kỹ năng viết văn .

-Chúc các bạn sẽ hoàn thành tốt nhất những bài văn trong các baì kiểm tra, bài thi học kỳ và thi tốt nghiệp THPT và Đại học .

29 tháng 10, 2010

Hiếu thảo giúp chúng ta trưởng thành hơn

Đề bài: Có ý kiến cho rằng: “ Hiếu thảo với cha mẹ giúp con người ta trưởng thành hơn”. Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.
---------------------------------
Từ xưa đến nay, hiếu thảo luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.Vậy nên, có ý kiến cho rằng: “Hiếu thảo với cha mẹ giúp con người ta trưởng thành hơn”. Chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc về câu nói trên.
“Hiếu thảo” là kính trọng, lễ phép với cha mẹ, ông bà. Không những thế, “hiếu thảo” còn là sự yêu quý, biết ơn công lao của cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta nên người. Mặt khác, “hiếu thảo” với cha mẹ còn là sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng cho cha mẹ lúc mạnh khỏe cũng như lúc ốm đau. Còn “trưởng thành” là sự chín chắn trong suy nghĩ, hành động , lời nói. Một con người trưởng thành là một con người biết suy nghĩ, biết ơn công lao nuôi dưỡng của cha mẹ, sự vất vả, khó nhọc mà cha mẹ đã phải chịu để biết hiếu thảo với cha mẹ. Vậy nên, một con người biết hiếu thảo với cha mẹ chính là lúc con người đó đã trưởng thành hơn.
“Hiếu thảo với cha mẹ giúp con người ta trưởng thành hơn là một nhận định hoàn toàn đúng đắn. Vì cha mẹ là người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta nên người nên việc hiếu thảo với cha mẹ phải là lẽ đương nhiên. Mặt khác, khi ta nuôi một con cún nó còn biết trung thành với chủ huống gì chúng ta là con người có suy nghĩ, có hiểu biết nên ta phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Không những thế, nếu không biết hiếu thảo với cha mẹ, ta sẽ bị mọi người xa lánh vì cha mẹ là người có công lớn đối với ta mà ta không biết hiếu thảo thì đối với người khác sẽ ra sao? Hơn thế nữa, sống hiếu thảo với cha mẹ sẽ giúp cho tâm hồn ta thanh thản, không hổ thẹn với chính lương tâm của mình. Vậy nên, lời dạy trên quả thật chí lý! Trong cuộc sống có rất nhiều tấm gương về lòng hiếu thảo. Ví như cụ Nguyễn Đình Chiểu khi xưa biết được tin mẹ mất, cụ đã đau long bỏ cả thi cử, trở về chịu tang và khóc đến nỗi mù cả hai mắt. Hay Lão Lai Tử ở Trung Quốc tuổi tuy đã cao nhưng vẫn mặc đồ như một đứa trẻ chọc hề cho cha mẹ vui. Hay như Mục Kiền Liên trong sự tích “Mục Liên tìm mẹ”. Tất cả những tấm gương sáng ấy thật đáng để ta noi theo.
Bên cạnh những tấm gương về lòng hiếu thảo vẫn còn đầy rẫy những con người hỗn hào với cha mẹ. Đáng giận hơn là có những vị quyền cao chức trọng không những không hiếu thảo với mẹ cha mà còn đang tâm đánh đập mẹ mình. Những con người ấy cần bị xã hội lên án khắt khe và bị mọi người chê trách. Tuy nhiên, hiếu thảo với cha mẹ là tốt nhưng ta còn cần phải hiếu thảo với ông bà và những người có công với mình, có như thế ta mới thực sự “trưởng thành”.
Bản thân em, ý thức được mình là một học sinh, em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, phụ giúp mẹ nấu cơm, quét nhà, trông em để mẹ được nghỉ ngơi,…như vậy là đã bày tỏ lòng hiếu thảo của mình một cách thiết thực!
Hiếu thảo với cha mẹ là một truyền thống đạo đức tốt đẹp. Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ truyền thống ấy để phát huy nét đẹp văn hóa vốn có của dân tộc Việt Nam.
---------------
Bài của NGHUYỄN NGỌC TUYẾT ANH -11A9- VTS