28 tháng 12, 2023

Bài làm đạt điểm cao của học sinh lớp 10 (NH 2023-2024)

 

Họ và tên : Lữ Phương Bảo Hân

Lớp : 10TA1

Trường : THPT Võ Thị Sáu

BÀI KIỂM TRA CUỐI HỌC KỲ I MÔN NGỮ VĂN

   Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và nghệ thuật của khổ (1), (2), (3) bài “Chiều thu” – Nguyễn Bính

Bài làm 1

      Mùa thu là mùa ấm áp, nhẹ nhàng, chất chứa những cảm xúc khó tả của biết bao người. Từ con người, sự vật thậm chí là không khí đều đang dần thay đổi từ mùa hè nóng bức sang mùa đông lạnh lẽo. Bởi thế mà nhiều nhà thơ đã vẽ nên nhiều bức tranh thiên nhiên miêu tả vẻ đẹp mùa thu. Trong số đó, nhà thơ Nguyễn Bính hoạ lại vẻ đẹp thiên nhiên trong một buổi chiều mùa thu qua bài thơ “Chiều thu”. Qua nội dung và các chi tiết đặc sắc về nghệ thuật, ta sẽ cảm nhận rõ các vẻ đẹp ấy :  

“ Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ

Điểm nhạt da trời những chấm son”

        Bài thơ “Chiều thu” được sáng tác bởi “thi sĩ của đồng quê” và do thế, trong bài thơ này ta cảm nhận rõ những hình ảnh thân thương, gần gũi, của quê hương đất nước. Bài thơ được viết theo thể thơ bảy chữ nên người đọc dễ dàng nắm rõ và hiểu sâu về bức tranh ấm áp này. Qua đó mà hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ này cũng sẽ gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều người đọc

    Khi chiều về, tác giả đã miêu tả rõ rệt những hình ảnh nhẹ nhàng, êm dịu trong thiên nhiên :

“Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ

Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu

Con cò bay lả trong câu hát

Giấc trẻ say dài nhịp võng ru”

    Cũng như bao tác giả khác, ông đã sử dụng chủ thể ẩn trong khổ thơ này để quan sát rõ và cảm nhận sâu sắc, chi tiết từng hình ảnh. Nguyễn Bính đã tạo sự liên kết giữa hai câu thơ hai và bốn qua vần chân “thu”, “ru”. Có thể thấy, cách thay đổi nhịp linh hoạt và sử dụng vần chân cũng gây kích thích đến người đọc, tạo cảm giác gần gũi hơn, hoà nhập vào không gian trữ tình ấy. Có lẽ ông viết những câu thơ này bằng một trái tim ấm áp, một tuổi thơ tuy bất hạnh nhưng lại gắn bó với quê hương. Bài thơ được viết bởi cảm xúc bồi hồi, những khung cảnh trữ tình chiều thu trong tư tưởng của tác giả. Bầu không khí ấm áp đó đã hoà với khung cảnh tạo nên bức tranh sinh động. Các hoạt động diễn ra hình như đều gắn liền với nhà thơ. Bởi thế mà ta đọc bốn câu thơ trên lại có cảm giác gần gũi. Vì vậy, ông đã hoạ lại một bức tranh thiên nhiên qua các hình ảnh chi tiết đặc sắc. Hình ảnh “trời xanh” là dấu hiệu cho mùa thu đã đến. Bầu trời xanh rộng, thăm thẳm chiếu xuống dưới đáy hồ sâu tạo cảm giác không gian rộng lớn, hùng vĩ bao trùm các sự vật. Giữa bầu không khí trong lành ấy là mùi hương “hoa thiên lý” bay thoáng qua. Một mùi hương nhẹ nhàng, da diết nhưng lại đặc trưng của chiều thu. Hình ảnh “cánh cò” từ thuở nào được xem là biểu trưng cho đất nước Việt Nam. Bầu không khí thư giãn, cò bay lượn lờ trên bầu trời xanh thẳm. Ôi! Thật đẹp làm sao. Giữa với những tiếng ru tha thiết. Tất cả mọi thứ hoà quyện đã tạo ra một bức tranh ấm áp dường nào. Qua đó, ta thấy rõ không khí an lành tại một buổi chiều thu.

    Bức tranh thiên nhiên ấy còn được bộc lộ qua một khu vườn đầy cây ăn trái :

“Lá thấp cành cao gió đuổi nhau

Góc vườn rụng vội chiếc mo cau

Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác

Đàn kiến trường chinh tự thuở nào”

  Tác giả lại tiếp tục sử dụng chủ thể ẩn để vẽ nên bức tranh này. Ông đã khắc lên các hình ảnh thiên nhiên một cách sinh động qua cách gieo vần chân “nhau”, “cau” ở câu thơ một và hai. Tuy ông ít thay đổi cách gieo vần nhưng ở đây, ta vẫn cảm nhận rõ và thấy nét sinh động trong bức tranh này. Khu vườn to lớn, rộng mênh mông đã khiến tác giả vẽ nên và miêu tả các loại trái trong khu vườn đó. Mùa thu là mùa của nhiều loại trái cây chín và ông đã lấy cảm hứng chủ đạo từ đó để viết nên những dòng thơ này. Dường như, những loại trái cây ấy, các hình ảnh gió đung đưa theo gió cũng gắn bó với tuổi thơ của thi sĩ. Bức tranh ấy sinh động được họa qua các hình ảnh chi tiết độc đáo. Toàn bộ câu thơ ông đều sử dụng biện pháp nhân hoá để người đọc cảm thấy thú vị, không bị nhàm chán. Gió, lá, cây đều đang rượt đuổi trên bầu trời xanh thăm thẳm. Giữa không khí nô nức ấy thì một chiếc mo cau lại rụng vội bên góc vườn nhỏ bé. Hình ảnh bất chợt này đã tạo một khoảng dừng nhẹ trong bầu không khí. Hình ảnh “quả na” trồ mắt nhìn như những em bé tò mò, luôn có những thắc mắc khi điều gì đó lạ thường xuất hiện. Song song đó, hình ảnh “đàn kiến” giữa bầu không khí yên tĩnh lại hoà trộn những sự vật sinh động.

    Cuối cùng, ông miêu tả những sự việc còn đọng lại khi mặt trời lặn xuống :

“Lúa trổ đòng tơ, ngậm cốm non

Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con

Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín

Điểm nhạt da trời những chấm son”

   Xuyên suốt từ đầu bài thơ đến bây giờ, ông luôn sử dụng chủ thể ẩn để quan sát chi tiết các sự khác lạ trong chiều thu. Ông vẫn gieo vần chân “non”, “con” và “son” ở cuối mỗi dòng thơ một hai và bốn. Tuy như vậy nhưng bài thơ không bị chán mà nó là sự thống nhất chung của nhà thơ đem lại cho người đọc, sự thay đổi linh hoạt nhịp và cách gieo vần đã vẽ nên bức tranh khi mặt trời lặn xuống. Nhiều chi tiết yên lặng, lặng lẽ ngắm nhìn bầu trời nhuộm đỏ. Hình ảnh “lúa” được xem là đặc trưng cho sự ấm no, hoà bình của dân tộc ta. Những cách đồng lúa chỉ mới trổ tơ ngay giữa bầu không khí thu ấm áp. Những chiếc lá đung đưa theo gió nhưng mang bên mình là chiếc lưỡi gươm con sắc bén. Thấy những hình ảnh như thế, những chú chim lại thay nhau mách võ trên cây hồng chín ươm. Và tất cả đã khép lại sau bầu trời nhuộm đỏ. Hình ảnh “những chấm son” cũng đã khép lại một buổi chiều náo nhiệt giữa bầu không khí ấm áp. Qua đó, ta thấy bức tranh thiên nhiên được tác giả nhuộm rất nhiều màu sắc của đồng quê khi chiều thu.

   Bài thơ “Chiều thu” của Nguyễn Bính đã vẽ nên một thi phẩm đặc sắc của cánh đồng quê. Những nét đẹp đặc sắc ấy tôn vinh vẻ đẹp quê hương Việt Nam. Ngoài ra, ông còn sử dụng linh hoạt biện pháp nhân hoá, từ láy để tăng thêm sinh động. Quả thực, đây là một thi phẩm tuyệt đẹp của cái chiều thu.

   Bên cạnh đó, bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh cũng vẽ nên một bức tranh khi thu về. Bức tranh ấy là sự hấp tấp, là bầu không khí se se lạnh. Cả hai bài thơ đều là vẻ đẹp thiên nhiên trù phú mà ông trời ban tặng. Thế nhưng, “Sang thu” chỉ là một màu ấm bao trùm lên bức tranh thì “Chiều thu” là những dãy màu sắc được hoạ lên tác phẩm. Qua đó, mỗi bài thơ đều có những nét đẹp riêng nhưng nhìn chung là vẻ đẹp trữ tình của bầu không khí ấm áp.

      Tóm lại, bài thơ “Chiều thu” đã khắc lên bức tranh nhộn nhịp, sinh động của một buổi chiều. Vẻ đẹp dân gian, là vẻ đẹp đồng quê đã tác động rất nhiều người đọc. Qua đó, bản thân chúng ta cần bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của dân tộc đến bạn bè năm châu.


Bài làm 2

Khi nhắc đến trời thu, ta sẽ nhớ đến sắc cam vàng vương trên những nhánh cây, mùi ổi ngọt ngào bay trong không gian và cả cái tiết trời đằm thắm, se se lạnh của mùa thu. Chính bởi những xúc cảm, vẻ đẹp đó mà mùa thu trong thơ văn lại tựa như một xứ sở tuyệt đẹp, là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà văn, nhà thơ. Và một trong những viên ngọc sáng nhất viết về chủ đề này đó là tác phẩm “Chiều thu” của tác giả Nguyễn Bính. Một tác phẩm được ca ngợi là thể hiện sâu sắc qua nội dung đến nghệ thuật:

“ Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ

...

Điểm nhạt da trời những chấm son.”

          Bài thơ được ra đời vào năm 2003, sau chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội. “Chiều thu” được viết theo thể thơ bảy chữ. Một thể thơ hiện đại gãy gọn và hàm xúc qua đó  truyền tải được trọn vẹn vẻ đẹp thiên nhiên, tâm trạng của nhà thơ qua từng dòng thơ. Tác phẩm là sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên mùa thu và một hồn thơ dân tộc. Từ đó, tình yêu quê hương Tổ quốc được lồng ghép, xen kẽ vỡi những nét đẹp thiên nhiên mùa lá đỏ.

          Khổ thơ đầu mở ra với gam màu xanh biếc của cả bầu trời, của cả ao hồ:

“Thăm thẳm trời xanh lộng đáy hồ

Mùi hoa thiên lý thoảng chiều thu

Con cò bay lả trong câu hát

Giấc trẻ say dài nhịp võng ru.”

          Trong đoạn thơ, tác giả đã sử dụng chủ thể trữ tình ẩn là chính bản thân như một cách hòa mình vào cùng thiên nhiên, để ngắm nhìn rõ nét bức tranh thu. Bằng cách sử dụng từ láy “thăm thẳm”, thi sĩ của đồng quê đã miêu tả trọn vẹn được sự bao la, mênh mông của bầu trời. Bầu trời xanh còn “lộng” đáy hồ, phản ánh sắc xanh của mình xuống mặt hồ, tạo nên cảm giác trong trẻo, sâu lắng của chiếc ao hồ. Đồng thời, trong không gian rộng lớn kia còn thoang thoảng mùi hương ngọt ngào, đằm thắm của hoa thiên lý. Một loài hoa tượng trưng cho mùa thu, một loài hoa với hương thơm khiến bao người say đắm. Song đó, hình ảnh cánh cò thân thuộc nơi đồng quê còn hiện lên  không chỉ dòng thơ mà còn là trong câu hát. Sau tất cả những hình ảnh, mùi hương mộc mạc, bình dị kia đã khắc họa nên khung cảnh bình dị của làng quê, khép lại với giấc mộng say sưa trên cái võng thân quen. Nhà thơ đã sử dụng khéo léo cặp vần lưng “bay-say” và cách ngắt nhịp đặc trưng của thể thơ bảy chữ để tạo nên một bài hát ru với giọng điệu đầy tha thiết, rung động lòng người đọc. Khổ thơ đã gợi lại trong ta những khung cảnh thân thuộc của quê hương.

          Tiếp nối mạch cảm xúc ấy chính là những hình ảnh tinh nghịch, thân thuộc hơn nữa của thiên nhiên ngày thu:

“Lá thấp cành cao gió đuổi nhau

Góc vườn rụng vội chiếc mo cau

Trái na mở mắt, nhìn ngơ ngác

Đàn kiến trường chinh tự thuở nào.”

          Biện pháp nhân hóa “đuổi nhau” của lá, của cành cây với làn gió như gợi về hình ảnh những tán cây đung đưa theo những cơn gió se se lạnh khi vào thu. Đồng thời, hình ảnh chiếc mo cau trong góc vườn cùng biện pháp tu từ nhân hóa “rụng rơi” như nói lên rằng vạn vật đang đua nhau thay màu áo mới, tân trang lại chính mình để đón trời thu. Cây cau cũng vậy, cây cũng hối hả thay lên một màu sắc mới. Nhưng giữa sự vội vã, nhộn nhịp ấy, lại có một loài quả vẫn chưa kịp hòa mình cùng muôn loài. Ấy là quả na với phép nhân hóa “mở mắt” và “nhìn ngơ ngác”. Cuối khổ thơ là hình ảnh đàn kiến đã xông pha chiến trường từ thuở nào. Có lẽ “đàn kiến” ở đây là phép ẩn dụ cho những người lính cụ Hồ của đất nước ta. Họ chăm chỉ, can đảm như những tập tính của loài kiến, bất kể thời gian, trở ngại mà một lòng son sắc hướng về Tổ quốc, về ngày bình yên cho toàn dân tộc. Phải chăng vì thế mà ngày thiên nhiên trở mình sang thu, rũ đi hết những oi ả của trời hạ thì những người anh hùng của ta đã ở nơi chiến trường, bỏ qua một mùa thu nữa. Giọng văn nhẹ nhàng, tha thiết kết hợp với cặp vần chân “nhau-cau” và cách ngắt nhịp quen thuộc của dòng thơ bảy chữ đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đậm né mùa thu cùng sự hào hùng, hi sinh của những người lính Việt Nam dưới cách ví von, ẩn dụ qua hình ảnh đàn kiến của nhà thơ Nguyễn Bính.

          Tiếp nối mạch cảm xúc da diết, vẽ tiếp bức tranh thu ấy là bóng hình của đồng lúa chín, mùi thơm của cốm-đặc sản ở mùa thu của thủ đô Hà Nội:

“Lúa trổ đồng tơ, ngậm cốm non

Lá dài vươn sắc lưỡi gươm con

Tiếng chim mách lẻo cây hồng chín

Điểm nhạt trời những chấm son.”

          Lúa-Một loài cây thân thuộc gắn bó với miền quê thân thương dân dã. Lúa trổ đồng tơ, lúa vàng trĩu hạt tạo nên những cánh đồng ruộng lớn, trải dài như đến vô tận đã ăn sâu trong tiềm thức người con đất Việt. Bên cạnh hình ảnh bông lúa, là cốm xanh, một món ăn đặc sản của Hà Nội khi vào thu. Hương thơm ngọt dịu pha chút thanh thanh cùng sắc xanh mơn mởn đã làm say đắm biết bao người khi được nếm đặc sản này ngay trong lần đầu. Phép nhân hóa “vươn” của chiếc lá dài tựa một lưỡi gươm cũng là một hình ảnh đặc sắc không kém của tự nhiên. Vang lên trong không gian là tiếng chim với phép nhân hóa “mách lẻo” đầy tinh nghịch, dí dỏm với mùi hương đặc trưng nữa của mùa thu ấy là hương ổi chín hồn. Sau cùng là biện pháp đảo ngữ “điểm nhạt” lên bầu trời nhữg chấm son đầy độc đáo, phá cách đã khép lại toàn khổ thơ. Nhà thơ đã gieo vần chân qua cặp vần “non-con” và nhịp điệu của thể thơ bảy chữ. Nhưng trong khổ thơ đã được đọc với một giọng thơ vui tươi, dí dỏm hơn với hình ảnh đầy sinh động, gợi cảm khiến cho người đọc như được trở lại những ngày thu.

          Cùng viết về chủ đề thiên nhiên mùa thu, còn có tác phẩm “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Cả hai tác phẩm đều đã miêu tả rõ nét bức tranh thu ở miền quê đầy mộc mạc và bình dị, êm ả. Nhưng trong “Chiều thu”, tác giả đã mong muốn đưa thêm vào tinh thần dân tộc ta sau những hình ảnh thiên nhiên. Còn “Sang thu” lại nổi bật với hình ảnh, khoảnh khắc thiên nhiên giao mùa đầy sáng tạo, độc đáo.

          Tác giả đã sử dụng khéo léo những cặp vần chân, lưng cùng với lối ngắt nhịp của thể thơ bảy chữ xuyên suốt trong ba khổ thơ, tạo nên cảm giác nhịp nhàng tựa một bài ru về quê hương cùng giọng thơ tha thiết, đằm thắm. Hơn hết là những hình ảnh đặc trưng của mùa thu được nhà thơ tinh tế lựa chọn đã góp phần tái hiện lại mùa thu bình dị, êm ả của miền quê đầy chân thật và sống động.

          Khép lại trang sách mà lòng ta còn bồi hồi bởi bức tranh thiên nhiên quá đỗi tuyệt đẹp từ đó, ta cũng nhận thức rõ hơn rằng bản thân cần phải bảo vệ, duy trì vẻ đẹp thiên nhiên ấy bằng cách bằng bảo vệ môi trường, học cách trân trọng thiên nhiên, góp phần sức nhỏ của mình vào cái chung to lớn của toàn xã hội để được ngắm nhìn, say đắm những gì tươi đẹp nhất của thiên nhiên đất trời.