6 tháng 11, 2012

Nhập vai trong văn tự sự

Bí quyết “nhập vai” (MT 1067 - 29/10/2012)
Sau khi bài văn “nhập vai” Cám (chỉ được 3,25 điểm) của một bạn học sinh ở Hà Nội được đưa lên mạng, nhiều teen băn khoăn: “nhập vai” thế nào để đạt điểm cao khi làm văn?
Mực Tím đã nhờ cô Lê Kim Mai (Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Ngữ Văn, THPT Võ Thị Sáu, Q. Bình Thạnh) giải đáp thắc mắc ấy.
“Ác” thôi chưa đủ

Sau khi bài văn được đưa lên mạng, cô thấy nhiều bạn đã bình luận: “Cám thì phải ác chứ, bài phải được phải cao điểm hơn thế!”. Tuy nhiên, theo cô nhận thấy, bài văn tuy đã làm tốt việc hóa thân và thống nhất cách xưng hô khi hóa thân nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót:
- Bài văn không có phần mở bài để giới thiệu được thể loại (truyện cổ tích), phạm vi (truyện Tấm Cám) và vào vai nào (Cám) khi kể.
- Đề bài KHÔNG yêu cầu kể bằng ngôn ngữ hiện đại. Việc người viết thêm vào những từ ngữ hiện đại có thể tạo cảm giác vui tươi sinh động nhưng chỉ phù hợp với dạng đề sáng tạo - tưởng tượng, chứ không phải ở dạng kể lại này.
- Phần thân bài, lẽ ra bạn ấy phải kể lại toàn bộ diễn biến theo đúng vai và không được thêm thắt chi tiết.
- Phần kết luận, người làm bài chưa rút ra được bài học kinh nghiệm và thông điệp hành động. Ví dụ: Nếu nhập vai Tấm, bạn có thể củng cố niềm tin: “Sau những biến cố đó, tôi càng tin hơn vào cái thiện và cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác. Mai này, dù hoàn cảnh có khắc nghiệt hơn nữa, tôi vẫn quyết giữ vững bản chất của mình”. Hoặc, nếu là Cám, bài học có thể là: “Ai cũng có nhu cầu được hạnh phúc, đó là ước nguyện chính đáng. Nhưng mưu cầu hạnh phúc bằng cách hãm hại và chiếm đoạt của người khác là một phương pháp sai lầm mà lẽ ra tôi không nên chọn”.
Các bạn thấy đó, văn tự sự, dạng nhập vai luôn tạo hứng thú, vì chỉ cần “kể lại” cái đã có. Nhưng bạn phải tỉnh táo trước khi nhập vai…
Tự phỏng vấn mình trước khi “nhập vai”
Nếu lần sau lại được “nhập vai”, bạn nhớ tự phỏng vấn mình trước nhé:
- Kiểu bài và phương pháp? Tự sự, nhưng nếu là nhập vai để kể lại, bạn phải kể đúng vai và tình tiết; nếu đề cho phép tưởng tượng - sáng tạo (dạng một kết cục khác: cuộc hội ngộ của Tấm và Cám ở địa ngục, hội ngộ của Mỵ Châu Trọng Thủy nơi Long Cung…) bạn có thể tha hồ “chế biến”.
- Phạm vi dẫn chứng? Nếu không được yêu cầu kể bằng ngôn ngữ hay bối cảnh hiện đại thì bạn phải kể đúng truyện được yêu cầu, đúng tình tiết và bối cảnh lịch sử.
- Ai cũng muốn sống tốt hơn? Bạn muốn người khác đọc văn của bạn, sau đó yêu đời hơn, sống tốt hơn, hay đọc văn xong, chẳng thay đổi được gì thậm chí mất niềm tin? Hãy luôn đánh giá lại vấn đề, nhận thức được gì từ việc đó và gửi đến người đọc một thông điệp sống thật ý nghĩa bạn nha!
Hi vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn sẽ trở thành những người “nhập vai” tuyệt vời trong các bài tập làm văn tiếp theo!
TRƯƠNG TUẤN gh