31 tháng 12, 2014

Những bài văn gây bão 2014

Khóc cười với nghịch cảnh trần gian, mẹ bán thịt lợn, bố lười

Những bài văn được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội trong năm 2014 đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc.
"Mẹ em là cơn lốc..."
Vào tháng 8/2014 thành viên Tạ Văn Khôi chia sẻ trên mạng xã hội một bài văn mang giọng điệu hài hướng, dí dỏm.
  bài văn, thầy giáo cũ, nghịch cảnh trần gian, mẹ bán thịt lợn, ai là triệu phú, chê bố lười
Thành viên Tạ Văn Khôi chia sẻ bài văn trên Facebook của nhóm “Chúng tôi yêu giáo dục tiểu học”.
Đó là bài văn của cậu học sinh tiểu học tả về người mẹ. Bằng lời văn chân thực, ngôn từ giản dị, người đọc phần nào hình dung được cuộc sống vất vả của một người mẹ luôn lo toan cho gia đình.
Trong bài văn có đoạn: "Mẹ em tên Hiền. Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn. Mẹ rất chăm chỉ. Ngày nào mẹ cũng làm việc từ tinh mơ đến khi chiều tối. Nếu mẹ của bạn Trần Nhật Minh là ngọn gió thì mẹ em là cơn lốc...” (xem chi tiết tại đây)
Cháu gái tả ông nội "giống ông tiên"
Tháng 11/2014 cô cháu gái Đặng Ái Duyên học sinh lớp 6C trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội có một bài viết về ông đầy tình cảm được cô giáo cho 8,5 điểm.
  bài văn, thầy giáo cũ, nghịch cảnh trần gian, mẹ bán thịt lợn, ai là triệu phú, chê bố lười
  Ông và cháu
Điều đặc biệt, người ông mà cô bé miêu tả là người từng xuất hiện trong chương trình “Ai là triệu phú”. Đó là ông Đặng Thiêm (78 tuổi), giành 30 triệu đồng tại chương trình tháng 10/2013. Cụ Thiêm cũng từng có mặt ở danh sách đề cử Khách mời ấn tượng - Giải thưởng Ấn tượng VTV 2014.
Cô cháu gái viết: “Ông tôi đã gần tám mươi tuổi rồi nhưng còn rất khỏe. Đôi mắt ông còn rất tinh, khi đọc báo ít khi phải dùng kính lão. Da ông đã nhăn nheo theo thời gian, tuy vậy ông vẫn siêng năng tập thể dục hằng ngày nên thân thể vô cùng rắn chắc... Trông ông thật giống ông tiên trong truyện cổ tích…” (xem chi tiết tại đây).
"Người tôi kính trọng nhất trên đời"
Bài văn viết về người thầy nhân dịp 20/11 của Vũ Phương Thảo (lớp 10A1, THPT Định Hóa) đã khiến nhiều người cảm động.
Trong bài viết của mình, Phương Thảo để dòng ký ức trôi ngược về quá khứ với những kỷ niệm đẹp bên người thầy. “Người đàn ông đi trong nắng vàng hôm ấy là người tôi kính trọng nhất trên đời. Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt”.
Bài viết cảm động của Thảo được thầy giáo Phạm Vũ cho điểm 10 (xem chi tiết tại đây).
Học sinh giỏi Toán: "Mẹ không bắt em trả lại tình thương"
Bài văn cảm động nói về sự hi sinh vất vả của người mẹ dành cho con do cậu bé lớp 2 viết, có nội dung: “Mẹ em 45 tuổi. Mẹ em làm nghề nội trợ. Mẹ em rất yêu thương em. Mẹ không bắt em phải trả lại tình thương mà mẹ đã dành cho em suốt bao năm qua. Mẹ lo cho em từng miếng ăn giấc ngủ. Mẹ hi sinh tất cả vì em. Mẹ làm rất nhiều thứ mà em không kể hết được. Mẹ mang nặng đẻ đau để mong em được lớn khôn. Mẹ lo cho em đến mức quên cả việc ăn uống. Mẹ rơi những giọt nước mắt vì em. Em sẽ cố học giỏi để không phụ công của mẹ”.
Bài viết này của em Trịnh Thanh Tùng, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.  
Nghịch cảnh trần gian hiện lên qua ngòi bút học sinh lớp 12
Với đề tài, trình bày suy nghĩ của anh/ chị về hiện tượng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay, cô học trò Nguyễn Thị Cúc - học sinh lớp 12/11 trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng đã vẽ lên một bức tranh đau thương về tình trạng bạo lực gia đình.
  bài văn, thầy giáo cũ, nghịch cảnh trần gian, mẹ bán thịt lợn, ai là triệu phú, chê bố lười
Bài văn được điểm 10 về hiện tượng bạo lực gia đình của học sinh Nguyễn Thị Cúc, trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng. Ảnh: Zing
Bài văn như chạm đến được suy nghĩ, tâm tư của nhiều người đang phải sống trong cảnh “địa ngục trần gian”, sự tủi nhục, sự bất công, thiếu tình người, ... trong xã hội hiện nay khiến bất kỳ người đọc nào cũng không khỏi xót xa (xem chi tiết tại đây).
Bài văn “bá đạo” thư gửi tôi 20 năm sau…
Với đề bài “Viết thư gửi tôi 20 năm sau”, Lương Trọng Nghĩa (lớp 10A2 trường THPT Anhxtanh – Hà Nội) đã viết một bài văn thú vị và vô cùng hài hước.
  bài văn, thầy giáo cũ, nghịch cảnh trần gian, mẹ bán thịt lợn, ai là triệu phú, chê bố lười
Nhiều ý, chữ to nên bài văn này dài tới 8 mặt giấy
Trọng Nghĩa tưởng tượng trong buổi lễ khai giảng của năm 2034 khi mình đã trở thành hiệu trưởng và khánh thành ngôi trường mới chuẩn quốc tế hoành tráng với phòng họp hội nghị 3D, học sinh và giáo viên được trang bị iPad 16, nóc tòa nhà có sân đỗ trực thăng…
Đặc biệt, trong dịp này, “thầy hiệu trưởng” Trọng Nghĩa còn đọc lại bức thư của chính mình viết cách đây 20 năm để lí giải tại sao: từ một nam sinh lười học có thể trở thành người thành đạt như hôm nay (xem chi tiết tại đây).
Con viết văn chê bố lười
"Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nằm ườn ra đấy. Đến bà to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy lần cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả da (gia) đình cùng dọn bố trả rọn (chả dọn) rồi xuống chát... với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố từ nay em không làm ôxin (osin) nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm".
  bài văn, thầy giáo cũ, nghịch cảnh trần gian, mẹ bán thịt lợn, ai là triệu phú, chê bố lười
  
Đoạn văn sau này được biết là của bé trai Hồng Anh (8 tuổi) viết về bố là anh Đỗ Mạnh Hà (sinh năm 1980) – làm việc tại trung tâm Công nghệ Thông tin - trường ĐH Thương mại Hà Nội (xem chi tiết tại đây).
Ngân Anh tổng hợp

5 tháng 6, 2014

Bình luận về đề thi TN THPT 2014

Thí sinh tốt nghiệp sẽ thành trí thức chứ không phải 'con vẹt cao cấp'

Qua đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014, TS Phạm Ngọc Hiền hy vọng nền giáo dục sẽ có những tiến bộ rõ rệt, học sinh không phải là vẹt thì mới có thể thi đậu.
TS Phạm Ngọc Hiền, giảng viên khoa Xã hội (ĐH Sài Gòn) gửi đếnVnExpress bài bình luận về đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2014.
Trong những năm gần đây, đề thi Văn luôn gây sự chú ý của dư luận. Nó không chỉ chứa đựng nhiều điều bất ngờ thú vị mà qua đề thi, người ta còn dự đoán được phần nào chiều hướng phát triển của ngành giáo dục và xã hội. Đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014 có khá nhiều điểm mới so với các năm trước. Đề thi này chỉ có hai câu và cả hai đều "nóng" và "thoáng".
Phần I: Đọc hiểu (3 điểm)
Về phân môn, câu này thuộc về Ngôn ngữ (Tiếng Việt) chứ không phải Văn học như lâu nay thường gặp. Về thao tác, nó thuộc kiểu loại đọc hiểu văn bản chứ không phải trình bày tóm tắt một vấn đề thuộc về Văn học sử (nêu tiểu sử, hoàn cảnh ra đời...). Về nội dung, đề thi yêu cầu bàn về một vấn đề chính trị xã hội đang diễn ra nóng bỏng chứ không phải là một vấn đề văn chương nguội lạnh cách đây mấy thế kỷ.
Phần đọc hiểu có ba câu hỏi nhỏ. Câu 1: Yêu cầu nêu những ý chính của văn bản. Câu này có vẻ thừa vì đoạn văn tương đối ngắn, không đa nghĩa, rối rắm, không cao siêu, khó hiểu. Tuy nhiên, cách ra đề này cũng có tác dụng báo hiệu rằng những đề thi về sau sẽ có phần đọc hiểu và thậm chí sẽ có những văn bản khó hơn, mới lạ hơn.
Câu 2: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản, đây là thao tác khá quen thuộc với học sinh lớp 9 và lớp 12. Chỉ khác là, nếu như trước đây, giáo viên thường chỉ hướng dẫn học sinh xác định phong cách trong các văn bản có sẵn trong SGK thì nay lấy một văn bản ngoài SGK để tránh học vẹt. Việc lấy một văn bản trên báo chí đưa vào đề thi cũng có tác dụng định hướng học sinh quan tâm tới những vấn đề thời sự nóng hổi chứ không cứ phải vùi đầu vào mấy áng thơ phú ngày xửa ngày xưa.
Tuy nhiên, vấn đề bất ổn của đề thi là ở phương án trả lời. Theo các đáp án phổ biến trên mạng internet thì đoạn văn này thuộc phong cách báo chí. Nhưng chưa hẳn vậy vì mục tiêu của đoạn văn không phải là đưa tin mà chỉ bày tỏ tư tưởng, tình cảm của người viết về một vấn đề chính trị. Có thể thấy thái độ của tác giả qua các từ có gạch dưới như: ngang nhiên, trái phép, hung hăng, nghiêm trọng. Đây là bài chính luận đăng trên báo chí và không phải bất cứ bài viết nào đăng trên báo cũng đều theo phong cách báo chí.
Bởi vậy, theo tôi, phải chấp nhận cả hai phương án trả lời: phong cách chính luận hoặc báo chí.
Phần II: Làm văn (7 điểm)
Bàn về đoạn đối thoại của Trương Ba và hàng thịt. Câu này mang tính tổng hợp kiến thức và thao tác. Nó vừa có dạng của loại bài nghị luận văn học (phân tích khát vọng của nhân vật), vừa có dạng của loại bài nghị luận xã hội (trình bày suy nghĩ về vấn đề con người cần được sống là chính mình). Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một tác phẩm kịch trở thành câu hỏi chính trong một đề thi Văn.
Câu này khá hay, tuy nhiên cũng cần tính đến một số phương án trả lời nằm ngoài dự kiến. Nội dung nghị luận bàn về vấn đề sống chân thật - sống giả tạo. Nếu thí sinh viết một cách chung chung thì đạt điểm cao. Nhưng sẽ rắc rối nếu thí sinh quá giỏi, nắm bắt được ẩn ý sâu xa của Lưu Quang Vũ. Và trong phần mở rộng vấn đề, thí sinh sẽ đi tìm nguyên nhân dẫn đến trào lưu đạo đức giả, nói một đằng, làm một nẻo, nghĩ thế này, nói thế khác vốn thịnh hành ở Việt Nam suốt nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, một thí sinh thông minh như vậy cũng sẽ biết cách dừng ngòi bút lại ở một nơi nào đó cần thiết để khỏi gây khó xử cho giám khảo.
Nhận xét chung Đề thi năm nay đúng theo tinh thần tích hợp kiến thức và thao tác. Nó có cả kiến thức Ngữ văn - Lịch sử - Địa lý - Đạo đức. Cứ theo tinh thần này, trong tương lai, đề Văn có thể kiểm tra cả kiến thức các môn khoa học xã hội nói chung. Riêng trong phạm vi Ngữ văn, ta cũng thấy có sự đa dạng về kiến thức: Ngôn ngữ (phong cách chính luận trên báo chí), Văn học (phân tích, bình luận một tác phẩm kịch).
Đề Văn năm nay không theo kết cấu thông thường như mọi năm (gồm ba câu: Lý thuyết (2 đ); Nghị luận xã hội (3 đ); Nghị luận Văn học, chọn một trong hai câu phân tích thơ hoặc văn (5 đ). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử thi cử ở Việt Nam sau 1975, đề thi Văn không yêu cầu phân tích thơ và truyện. Đề yêu cầu thí sinh hướng về các sự kiện thiết thực, nóng hổi đang diễn ra. Đây cũng là một động thái kéo các đệ tử cửa Khổng sân Trình ra khỏi cái tháp ngà văn chương dã chiến để hội nhập với nền giáo dục tiên tiến.
Cách đây vài tháng, khi nghe nói Bộ Giáo dục sẽ ra đề thi có phần đọc hiểu, nhiều học sinh đổ xô ôn lại kiến thức môn Tiếng Việt (vốn bị bỏ quên trong hộc bàn trung học suốt nửa thế kỷ nay). Đến khi đọc đề thi, một số người bất ngờ khi thấy phần I không có trong SGK, còn phần II chỉ bàn bạc chung chung, nếu không học thuộc lòng cũng có thể trả lời được. Nghĩa là, chỉ cần nắm kỹ thao tác viết bài luận là làm được chứ không cần ê a các kiến thức trong SGK.
Trong tương lai, có thể những câu hỏi trong đề thi Văn sẽ không có trong SGK và chỉ có những học sinh nào không phải là vẹt thì mới có thể thi đậu. Lúc ấy, SGK không phải là pháp lệnh mà chỉ là một tài liệu tham khảo mà thôi. Thầy và trò dạy và học tài liệu nào cũng được, miễn là rèn luyện tốt kỹ năng diễn đạt và phân tích.
Qua đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2014, nền giáo dục được kỳ vọng có chiều hướng tiến bộ rõ rệt. Và những thí sinh thi đậu các kỳ thi này sẽ trở thành những trí thức thứ thiệt chứ không phải là những con vẹt cao cấp như các thế hệ trước. 
Phạm Ngọc Hiền 

26 tháng 4, 2014

Thi TN THPT 2014: Đề văn theo hướng Đọc hiểu

Xin giới thiệu với các bạn 1 đề văn với những câu hỏi liên quan đến Đọc hiểu văn bản. Mong nhận được ý kiến phản hồi của các đồng nghiệp. KimMaiVTS@gmail.com chân thành cảm ơn!
----------------------------------------
 I. Đọc hiểu văn bản
Đọc bài thơ và trả lời các câu hỏi:
Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?
                                 (Trích tập thơ “Giờ thứ 38”, 2009,Đặng Chân Nhân -Sinh năm 1993)
Câu 1: Đặt nhan đề cho bài thơ trên.
Câu 2: “Con đường nhỏ” có những đặc điểm nào?
Câu 3: Người chọn đi “Con đường nhỏ” sẽ bỏ qua những cơ hội gì?
Câu 4: Người chọn đi “Con đường nhỏ” là những người có tính cách như thế nào?
Câu 5: “ Con đường dài” có những đặc điểm gì?
Câu 6: Người chọn đi trên “Con đường dài” là những người có tính cách như thế nào?
Câu 7: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì trong bài thơ? Nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó.
Câu 8: Nêu một số tác hại nếu xã hội có nhiều người chọn “Con đường nhỏ”
Câu 9: Nêu một số tác dụng nếu cuộc sống này xuất hiện nhiều người chọn “Con đường dài”.
Câu 10: Hãy nêu tên một số tấm gương trong cuộc sống đã chọn “Con đường dài”  hoặc nêu tên một số tác phẩm văn học ca ngợi những con người đã chọn đi trên “Con đường dài”.
Câu 11: Viết 3 câu để trả lời câu hỏi đặt ra ở cuối bài thơ. Tại sao bạn có ý kiến đó?.
Câu 12: Chỉ ra điểm giống nhau giữa “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”
Câu 13: Chỉ ra 3 điểm khác nhau giữa “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”
Câu 14: Ý nghĩa biểu tượng của “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”.
Câu 15: Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc là gì?
Câu 16: Đặng Chân Nhân sáng tác bài thơ này lúc 16 tuổi. Bạn có suy nghĩ gì khi biết thông tin này?
Câu 17: Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình? Tại sao?            

22 tháng 4, 2014

Lập luận giúp đạt điểm cao trong làm bài thi Văn

khi làm đề thi môn Văn có nhiều học sinh không nắm chắc đặc trưng của bài văn nghị luận mà đề thi yêu cầu, nên thường viết tùy hứng, khiến điểm thấp. Để tránh tình trạng này, các em nên nhớ đã là văn nghị luận dù là nghị luận văn học hay nghị luận xã hội...

>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Nhiều thí sinh mất quá nhiều thời gian vào làm phần mở và kết bài, trong khi thực tế, phần này trong đáp án, biểu điểm của Bộ GD-ĐT không cho điểm.
Tiến sĩ Phạm Hữu Cường (ĐHSP Hà Nội), giảng viên luyện thi Văn tại Trung tâm Bình Du có chia sẻ bí quyết đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi đại học, cao đẳng. Là người có gần 20 năm luyện thi môn Văn, thầy Phạm Hữu Cường cho biết, đề thi đại học những năm gần đây ra theo hướng mở, nhằm kích thích tư duy, phát triển suy nghĩ riêng và cảm nhận chủ quan của học sinh, đồng thời hướng về những vấn đề thiết thực của cuộc sống. Đề thi kiểm tra toàn diện trình độ thí sinh ở nhiều phương diện như: bàn luận về các vấn đề của đời sống xã hội (Nghị luận xã hội); cảm nhận, so sánh, bình luận văn chương (Nghị luận văn học)…
Nội dung đề thi thường xoay quanh các kiến thức trong chương trình Ngữ văn 11 (Phần Văn học hiện đại); Ngữ văn 12 và các vấn đề xã hội nổi bật, gần gũi với tuổi trẻ. Các kiến thức Tiếng Việt, Làm văn, Lí luận văn học thường được kiểm tra tích hợp ngay trong bài làm văn.

Lập luận chặt chẽ giúp thí sinh lấy điểm cao

Theo T.S Cường, khi làm đề thi môn Văn có nhiều học sinh không nắm chắc đặc trưng của bài văn nghị luận mà đề thi yêu cầu, nên thường viết tùy hứng, khiến điểm thấp. Để tránh tình trạng này, các em nên nhớ đã là văn nghị luận dù là nghị luận văn học hay nghị luận xã hội, thì đều phải tuân thủ và đảm bảo đầy đủ 3 đặc trưng: Lập luận thống nhất, chặt chẽ; lí lẽ sắc sảo, thông minh; dẫn chứng chính xác, chân thực, giàu sức thuyết phục.
Các em thường phân bổ, sử dụng thời gian làm bài không hợp lý, đồng thời tính toán dung lượng (độ dài) bài làm ở từng câu không phù hợp, nên không giải quyết đầy đủ và sâu sắc các yêu cầu của đề, dẫn đến điểm kém. Nhiều em mất quá nhiều thời gian vào việc mở và kết bài, trong khi thực tế, phần này trong đáp án, biểu điểm của Bộ không cho điểm.
Học sinh thường không tạo được cho mình niềm say mê và cảm hứng thực sự khi làm bài, dẫn đến bài viết không có cảm xúc. Để khắc phục điều này, các em nên lưu ý:

Cần chuẩn bị tốt nhất về tinh thần và sức lực.

Người viết bài càng mạnh khỏe về thể chất và minh mẫn, thoải mái về tinh thần thì càng có niềm say mê và cảm hứng thực sự khi làm bài. Mọi ức chế (kể cả việc quá lo lắng khi bước vào phòng thi) cũng có thể làm giảm hứng thú làm bài. Bao giờ người làm văn cũng cảm thấy hứng thú hơn khi mình có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề mà đề bài đặt ra. Nắm vững kiến thức và kĩ năng cần thiết, học càng đầy đủ, sâu rộng càng tốt.

Lập luận chặt chẽ giúp học sinh lấy điểm cao khi làm bài thi môn Văn

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội

Học sinh hay mắc lỗi trong khi trình bày, diễn đạt...bài làm. Khi viết sai, các em thường dập xóa tùy tiện, khiến bài làm bị xấu và bẩn. Trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải bỏ phần vừa viết, cách tốt nhất và duy nhất là dùng thước kẻ gạch đè lên để bỏ đi, rồi viết tiếp. Do thói quen xấu và do không được uốn nắn, sửa chữa từ các cấp dưới, nhiều thí sinh dự thi đại học vẫn viết sai chính tả, vẫn viết câu văn hụt, không có chủ ngữ, vị ngữ, hoặc lầm lẫn giữa các thành phần câu, nghĩa là chưa nói thông viết thạo tiếng Việt. Đây là lỗi thường bị trừ điểm rất nặng trong các bài văn. Các em cũng cần tránh các kiểu diễn đạt mập mờ, dễ gây hiểu lầm cho người đọc.
Khi làm bài thi, học sinh vẫn viết tắt, viết thiếu nét, thiếu dấu, viết hoa tự do (chỉ viết hoa tên riêng, hoặc sau khi chấm câu), viết ngọng (như nhầm lẫn giữa l và n, x và s, ch và tr). Chỉ cần 10 lỗi chính tả hoặc 1 lỗi chính tả lặp lại 10 lần, bài làm có thể đã bị trừ mất 0,5 điểm. Nếu như có thêm 0,5 điểm ấy, các em đã ung dung bước vào đại học, bởi thi đại học, đỗ hay trượt, có khi chỉ hơn nhau chừng ấy điểm.
Đối với câu Nghị luận xã hội, học sinh thường nghĩ cứ đưa thật nhiều dẫn chứng từ đời sống xã hội vào, là bài làm sẽ đạt điểm cao. Đó là một sai lầm. Câu Nghị luận xã hội, đòi hỏi các em phải bày tỏ quan điểm, cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá (nghĩa là dùng thao tác lập luận bình luận) của mình trước các vấn đề xã hội, nên cần dùng lí lẽ, lập luận là chính. Dẫn chứng chỉ để các lí lẽ, lập luận ấy thêm thuyết phục. Trước khi bàn luận, nhiều em cũng hay quên giải thích vấn đề. Các em nên nhớ, bao giờ cũng phải giải thích trước khi bình luận. Có hiểu đúng thì bình luận mới đúng và có giá trị.
Khi phân tích cảm nhận thơ văn, các em thường không bám sát yêu cầu về nội dung và phạm vi mà đề bài yêu cầu, nên thường viết quá dài, hặc cảm nhận lan man không cần thiết. Chẳng hạn, với Câu IIIa của đề thi Khối D năm 2013, nhiều em đi cảm nhận cả bài thơ Vội vàng là sai lầm lớn, bởi đề thi chỉ yêu cầu các em cảm nhận niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ nghĩa là 10 dòng cuối của bài thơ mà thôi.
Học sinh cũng thường ít chú ý đến các đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích thơ văn, nên cũng thường bị mất điểm ở phần này. Khi cảm nhận văn xuôi, các em nên bám sát các chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Khi cảm nhận thơ, nên bám sát ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, và tốt nhất là từ hình thức nghệ thuật chỉ ra nội dung, ý nghĩa. Xem điểm thi đại học 2014 tại đây.

Đọc kỹ đề thi để tránh lạc đề, xa đề

Khi nhận đề thi, lỗi đầu tiên mà các em thường mắc phải là không đọc kĩ đề và không xác định đầy đủ yêu cầu của đề thi. Vì vậy, bài làm có thể xa đề, lạc đề, viết rất dài mà điểm vẫn thấp. Chẳng hạn, với câu IIIa của đề thi khối C năm 2013, nhiều em học sinh kêu quá dài. Thực ra, với đề thi như thế, việc cảm nhận cả bài thơ Tây Tiến là sai lầm lớn, bởi đề thi chỉ yêu cầu các em cảm nhận dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước và vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp trong hình tượng người lính Tây Tiến, để làm căn cứ bình luận 2 nhận định về hình tượng người lính Tây Tiến được nêu ra trong đề.
Để khắc phục sai lầm đó,T.S Cường khuyên các em nên đọc kĩ đề bài, xác định chính xác các yêu cầu sau: Xác định xem đề bài yêu cầu sử dụng thao tác nghị luận nào, trình bày, giải thích, chứng minh, bình giảng, phân tích, so sánh hay kiểu bài tổng hợp đòi hỏi kết hợp nhiều thao tác nghị luận?. Đối tượng và nội dung nghị luận: đề bài yêu cầu giải quyết vấn đề gì..
Phạm vi kiến thức và dẫn chứng: để giải quyết vấn đề đó, cần huy động và sử dụng những kiến thức và dẫn chứng nào cho phù hợp và có sức thuyết phục cao nhất...
Đối với nội dung và hình thức trình bày bài viết. Khi làm bài thi, phải luôn nhớ nguyên tắc đề yêu cầu làm gì, thì làm đúng như thế, không viết lan man. Để tránh được các sai lầm khi làm bài thi đại học môn Ngữ văn, các em cần ôn tập cẩn thận, đúng hướng, chịu khó rèn kĩ năng bằng cách viết bài, chịu khó sửa các lỗi, chuẩn bị thật đầy đủ chu đáo cho kì thi. Đi thi đại học, với các em, là nuôi quân 12 đến 13 năm, chỉ “dụng binh” 1 lần, phải làm sao để chắc thắng.
Kênh tuyển sinh (Theo Infonet)