26 tháng 4, 2014

Thi TN THPT 2014: Đề văn theo hướng Đọc hiểu

Xin giới thiệu với các bạn 1 đề văn với những câu hỏi liên quan đến Đọc hiểu văn bản. Mong nhận được ý kiến phản hồi của các đồng nghiệp. KimMaiVTS@gmail.com chân thành cảm ơn!
----------------------------------------
 I. Đọc hiểu văn bản
Đọc bài thơ và trả lời các câu hỏi:
Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?
                                 (Trích tập thơ “Giờ thứ 38”, 2009,Đặng Chân Nhân -Sinh năm 1993)
Câu 1: Đặt nhan đề cho bài thơ trên.
Câu 2: “Con đường nhỏ” có những đặc điểm nào?
Câu 3: Người chọn đi “Con đường nhỏ” sẽ bỏ qua những cơ hội gì?
Câu 4: Người chọn đi “Con đường nhỏ” là những người có tính cách như thế nào?
Câu 5: “ Con đường dài” có những đặc điểm gì?
Câu 6: Người chọn đi trên “Con đường dài” là những người có tính cách như thế nào?
Câu 7: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì trong bài thơ? Nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó.
Câu 8: Nêu một số tác hại nếu xã hội có nhiều người chọn “Con đường nhỏ”
Câu 9: Nêu một số tác dụng nếu cuộc sống này xuất hiện nhiều người chọn “Con đường dài”.
Câu 10: Hãy nêu tên một số tấm gương trong cuộc sống đã chọn “Con đường dài”  hoặc nêu tên một số tác phẩm văn học ca ngợi những con người đã chọn đi trên “Con đường dài”.
Câu 11: Viết 3 câu để trả lời câu hỏi đặt ra ở cuối bài thơ. Tại sao bạn có ý kiến đó?.
Câu 12: Chỉ ra điểm giống nhau giữa “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”
Câu 13: Chỉ ra 3 điểm khác nhau giữa “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”
Câu 14: Ý nghĩa biểu tượng của “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”.
Câu 15: Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc là gì?
Câu 16: Đặng Chân Nhân sáng tác bài thơ này lúc 16 tuổi. Bạn có suy nghĩ gì khi biết thông tin này?
Câu 17: Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình? Tại sao?            

22 tháng 4, 2014

Lập luận giúp đạt điểm cao trong làm bài thi Văn

khi làm đề thi môn Văn có nhiều học sinh không nắm chắc đặc trưng của bài văn nghị luận mà đề thi yêu cầu, nên thường viết tùy hứng, khiến điểm thấp. Để tránh tình trạng này, các em nên nhớ đã là văn nghị luận dù là nghị luận văn học hay nghị luận xã hội...

>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Nhiều thí sinh mất quá nhiều thời gian vào làm phần mở và kết bài, trong khi thực tế, phần này trong đáp án, biểu điểm của Bộ GD-ĐT không cho điểm.
Tiến sĩ Phạm Hữu Cường (ĐHSP Hà Nội), giảng viên luyện thi Văn tại Trung tâm Bình Du có chia sẻ bí quyết đạt điểm cao môn Văn trong kỳ thi đại học, cao đẳng. Là người có gần 20 năm luyện thi môn Văn, thầy Phạm Hữu Cường cho biết, đề thi đại học những năm gần đây ra theo hướng mở, nhằm kích thích tư duy, phát triển suy nghĩ riêng và cảm nhận chủ quan của học sinh, đồng thời hướng về những vấn đề thiết thực của cuộc sống. Đề thi kiểm tra toàn diện trình độ thí sinh ở nhiều phương diện như: bàn luận về các vấn đề của đời sống xã hội (Nghị luận xã hội); cảm nhận, so sánh, bình luận văn chương (Nghị luận văn học)…
Nội dung đề thi thường xoay quanh các kiến thức trong chương trình Ngữ văn 11 (Phần Văn học hiện đại); Ngữ văn 12 và các vấn đề xã hội nổi bật, gần gũi với tuổi trẻ. Các kiến thức Tiếng Việt, Làm văn, Lí luận văn học thường được kiểm tra tích hợp ngay trong bài làm văn.

Lập luận chặt chẽ giúp thí sinh lấy điểm cao

Theo T.S Cường, khi làm đề thi môn Văn có nhiều học sinh không nắm chắc đặc trưng của bài văn nghị luận mà đề thi yêu cầu, nên thường viết tùy hứng, khiến điểm thấp. Để tránh tình trạng này, các em nên nhớ đã là văn nghị luận dù là nghị luận văn học hay nghị luận xã hội, thì đều phải tuân thủ và đảm bảo đầy đủ 3 đặc trưng: Lập luận thống nhất, chặt chẽ; lí lẽ sắc sảo, thông minh; dẫn chứng chính xác, chân thực, giàu sức thuyết phục.
Các em thường phân bổ, sử dụng thời gian làm bài không hợp lý, đồng thời tính toán dung lượng (độ dài) bài làm ở từng câu không phù hợp, nên không giải quyết đầy đủ và sâu sắc các yêu cầu của đề, dẫn đến điểm kém. Nhiều em mất quá nhiều thời gian vào việc mở và kết bài, trong khi thực tế, phần này trong đáp án, biểu điểm của Bộ không cho điểm.
Học sinh thường không tạo được cho mình niềm say mê và cảm hứng thực sự khi làm bài, dẫn đến bài viết không có cảm xúc. Để khắc phục điều này, các em nên lưu ý:

Cần chuẩn bị tốt nhất về tinh thần và sức lực.

Người viết bài càng mạnh khỏe về thể chất và minh mẫn, thoải mái về tinh thần thì càng có niềm say mê và cảm hứng thực sự khi làm bài. Mọi ức chế (kể cả việc quá lo lắng khi bước vào phòng thi) cũng có thể làm giảm hứng thú làm bài. Bao giờ người làm văn cũng cảm thấy hứng thú hơn khi mình có những hiểu biết sâu rộng về vấn đề mà đề bài đặt ra. Nắm vững kiến thức và kĩ năng cần thiết, học càng đầy đủ, sâu rộng càng tốt.

Lập luận chặt chẽ giúp học sinh lấy điểm cao khi làm bài thi môn Văn

Tiến sĩ Phạm Hữu Cường, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội

Học sinh hay mắc lỗi trong khi trình bày, diễn đạt...bài làm. Khi viết sai, các em thường dập xóa tùy tiện, khiến bài làm bị xấu và bẩn. Trong trường hợp bất khả kháng, bắt buộc phải bỏ phần vừa viết, cách tốt nhất và duy nhất là dùng thước kẻ gạch đè lên để bỏ đi, rồi viết tiếp. Do thói quen xấu và do không được uốn nắn, sửa chữa từ các cấp dưới, nhiều thí sinh dự thi đại học vẫn viết sai chính tả, vẫn viết câu văn hụt, không có chủ ngữ, vị ngữ, hoặc lầm lẫn giữa các thành phần câu, nghĩa là chưa nói thông viết thạo tiếng Việt. Đây là lỗi thường bị trừ điểm rất nặng trong các bài văn. Các em cũng cần tránh các kiểu diễn đạt mập mờ, dễ gây hiểu lầm cho người đọc.
Khi làm bài thi, học sinh vẫn viết tắt, viết thiếu nét, thiếu dấu, viết hoa tự do (chỉ viết hoa tên riêng, hoặc sau khi chấm câu), viết ngọng (như nhầm lẫn giữa l và n, x và s, ch và tr). Chỉ cần 10 lỗi chính tả hoặc 1 lỗi chính tả lặp lại 10 lần, bài làm có thể đã bị trừ mất 0,5 điểm. Nếu như có thêm 0,5 điểm ấy, các em đã ung dung bước vào đại học, bởi thi đại học, đỗ hay trượt, có khi chỉ hơn nhau chừng ấy điểm.
Đối với câu Nghị luận xã hội, học sinh thường nghĩ cứ đưa thật nhiều dẫn chứng từ đời sống xã hội vào, là bài làm sẽ đạt điểm cao. Đó là một sai lầm. Câu Nghị luận xã hội, đòi hỏi các em phải bày tỏ quan điểm, cách suy nghĩ, nhìn nhận, đánh giá (nghĩa là dùng thao tác lập luận bình luận) của mình trước các vấn đề xã hội, nên cần dùng lí lẽ, lập luận là chính. Dẫn chứng chỉ để các lí lẽ, lập luận ấy thêm thuyết phục. Trước khi bàn luận, nhiều em cũng hay quên giải thích vấn đề. Các em nên nhớ, bao giờ cũng phải giải thích trước khi bình luận. Có hiểu đúng thì bình luận mới đúng và có giá trị.
Khi phân tích cảm nhận thơ văn, các em thường không bám sát yêu cầu về nội dung và phạm vi mà đề bài yêu cầu, nên thường viết quá dài, hặc cảm nhận lan man không cần thiết. Chẳng hạn, với Câu IIIa của đề thi Khối D năm 2013, nhiều em đi cảm nhận cả bài thơ Vội vàng là sai lầm lớn, bởi đề thi chỉ yêu cầu các em cảm nhận niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ nghĩa là 10 dòng cuối của bài thơ mà thôi.
Học sinh cũng thường ít chú ý đến các đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm hoặc đoạn trích thơ văn, nên cũng thường bị mất điểm ở phần này. Khi cảm nhận văn xuôi, các em nên bám sát các chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Khi cảm nhận thơ, nên bám sát ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, và tốt nhất là từ hình thức nghệ thuật chỉ ra nội dung, ý nghĩa. Xem điểm thi đại học 2014 tại đây.

Đọc kỹ đề thi để tránh lạc đề, xa đề

Khi nhận đề thi, lỗi đầu tiên mà các em thường mắc phải là không đọc kĩ đề và không xác định đầy đủ yêu cầu của đề thi. Vì vậy, bài làm có thể xa đề, lạc đề, viết rất dài mà điểm vẫn thấp. Chẳng hạn, với câu IIIa của đề thi khối C năm 2013, nhiều em học sinh kêu quá dài. Thực ra, với đề thi như thế, việc cảm nhận cả bài thơ Tây Tiến là sai lầm lớn, bởi đề thi chỉ yêu cầu các em cảm nhận dáng dấp của các tráng sĩ thuở trước và vẻ đẹp của người chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp trong hình tượng người lính Tây Tiến, để làm căn cứ bình luận 2 nhận định về hình tượng người lính Tây Tiến được nêu ra trong đề.
Để khắc phục sai lầm đó,T.S Cường khuyên các em nên đọc kĩ đề bài, xác định chính xác các yêu cầu sau: Xác định xem đề bài yêu cầu sử dụng thao tác nghị luận nào, trình bày, giải thích, chứng minh, bình giảng, phân tích, so sánh hay kiểu bài tổng hợp đòi hỏi kết hợp nhiều thao tác nghị luận?. Đối tượng và nội dung nghị luận: đề bài yêu cầu giải quyết vấn đề gì..
Phạm vi kiến thức và dẫn chứng: để giải quyết vấn đề đó, cần huy động và sử dụng những kiến thức và dẫn chứng nào cho phù hợp và có sức thuyết phục cao nhất...
Đối với nội dung và hình thức trình bày bài viết. Khi làm bài thi, phải luôn nhớ nguyên tắc đề yêu cầu làm gì, thì làm đúng như thế, không viết lan man. Để tránh được các sai lầm khi làm bài thi đại học môn Ngữ văn, các em cần ôn tập cẩn thận, đúng hướng, chịu khó rèn kĩ năng bằng cách viết bài, chịu khó sửa các lỗi, chuẩn bị thật đầy đủ chu đáo cho kì thi. Đi thi đại học, với các em, là nuôi quân 12 đến 13 năm, chỉ “dụng binh” 1 lần, phải làm sao để chắc thắng.
Kênh tuyển sinh (Theo Infonet)