4 tháng 1, 2017

Học 1001 điều qua dự án "Vươn ra ánh sáng"




Sôi động, hào hứng và thích thú với giờ học môn Văn tập làm phóng viên

PHƯƠNG LINH
(GDVN) - Học sinh khối 11 của Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu vừa có một giờ học môn Văn rất thích thú, sôi động và hào hứng, khi tất cả được tập làm phóng viên.

Giờ học Văn sôi động này vừa diễn ra vào sáng ngày 4/1, do cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc – giáo viên Văn của Trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) tham gia hướng dẫn chính.
Học sinh của 2 lớp 11TA và 11A18 là những em trực tiếp tham gia thực hiện, thuyết minh các đề tài có liên quan báo chí mà cô Ngọc hướng dẫn.
Được lấy ý tưởng chính từ truyện Hai Đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, một bài học Văn có trong sách giáo khoa, học sinh được yêu cầu áp dụng phong cách ngôn ngữ báo chí, từ phỏng vấn, viết bản tin, viết tiểu phẩm ngắn…để cho ra đời 11 sản phẩm là phóng sự, tiểu phẩm, bản tin, ra tạp chí.
Học sinh khối 11 thuyết trình về nội dung cuốn tạp chí mà mình vừa thực hiện được (Ảnh: P.L)
Không những thế, giờ học Văn lại càng sôi động, hấp dẫn hơn, khi thông qua một tiểu phẩm ngắn do chính các học sinh dàn dựng, viết kịch bản về tình yêu thương bạn bè, con người.
Ngoài việc giúp nắm vững kiến thức mà mình đã học được, học sinh sẽ còn có cơ hội được trải nghiệm thực tế từ hiện trường, thông qua những chuyến đi đến thăm trại trẻ mồ cô, những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ, khốn khó tại TP.Hồ Chí Minh.
Một sản phẩm khác là tiểu phẩm do chính học sinh lên ý tưởng, dàn dựng thực hiện (ảnh: P.L)
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hồng Ngọc cho biết, để có được hơn một giờ học Văn sôi động, thích thú như vậy, cả cô và trò của trường đã bắt đầu có bước chuẩn bị từ cách đây hơn 2 tháng.
Bắt đầu từ việc lập kế hoạch, phân công học sinh của 2 nhóm, đi thực tế, triển khai thực hiện gồm rất nhiều các công đoạn khác nhau, tất cả để với một mục đích duy nhất là phát huy được những năng lực, sở trường của học sinh, giúp cho các em rèn luyện thêm nhiều kỹ năng ngoài các bài giảng khô khan, nhàm chán.
Học sinh khối 11 Trường Võ Thị Sáu chăm chú lắng nghe tác phẩm mà bạn bè mình thuyết trình (ảnh: P.L)
Nhận xét về những gì mà mình cảm nhận được, em Nguyễn Minh Triết – học sinh lớp 11TA nói rằng: Chúng em rất thích thú với giờ học Văn hình thức giống như hôm nay, vì hình thức sinh động, hấp dẫn, cách thể hiện của các bạn rất lôi cuốn, không bao giờ buồn tẻ.
Cũng tương tự như vậy, em Khánh Hồng – học sinh lớp 11A18 thì tự tin nói: Qua giờ học hôm nay, em và các bạn sẽ biết rút ra bài học cho mình là hãy trân trọng những gì mình đang có.
"Hãy biết san sẻ, chia sẻ tình yêu thương với người khác, biết yêu thương gia đình và những người xung quanh hơn" - học sinh Khánh Hồng kết luận.
Phương Linh

“Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ”

Bài viết số 1: Văn NLXH


Đề bài : “Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ”. Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Họ và tên:  Ngô Đức Phát

Lớp:          11A6

Điểm số:    9/10
Nhận xét bài viết:  - Bài viết làm sáng tỏ nội dung, lời văn trong sáng, giàu cảm xúc, có chiều sâu, trình bày được những suy nghĩ chân thành của bản thân.
                             - Chú ý hơn trong cách diễn đạt.

Bài làm

        Thiên nhiên là một món quà tuyệt diệu và quý báu mà bàn tay của tạo hóa đã “ưu ái” trao tặng cho chúng ta. Từ những cành hoa, ngọn cỏ hé nở, vươn mình mỗi sớm mai, từng tiếng chim ríu rít cho đến những loài động vật xinh đẹp lộng lẫy với những chiếc áo khác nhau được khoác lên mình đan xen tạo nên một thế giới diệu kì. Cũng bởi vì lẽ đó, không ít người đã lấy những cái đẹp của “mẹ thiên nhiên” để đưa đến cho con người những thông điệp, bài học giá trị cuộc sống. Và tôi đã từng nghe ở đâu đó một câu nói mà tôi nghĩ mình sẽ không quên bởi nó như một phương châm sống đưa ta qua mọi khó khăn thử thách: “Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ”.


        Vậy để hiểu được những giá trị tiềm ẩn trong câu nói đó thì trước hết chúng ta cần biết được những hình ảnh trong câu là gì? “Vùng đất khô cằn sỏi đá” là một hình ảnh đối lập của những bức tranh thiên nhiên căng đầy sức sống, nó là những mảnh đất cằn cỗi, thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng, thiếu sức sống, khó có thể có được sự sống ở nơi đây mà chỉ tồn tại “sỏi” và “đá”. Tuy nhiên, tác giả đã mượn hình ảnh thiên nhiên để nói lên hoàn cảnh con người tựa như vùng đất này, chứa đựng nhiều khó khăn, gian nan thử thách, con người khó lòng tồn tại. “Cây hoa dại” vốn là một sinh vật nhỏ bé, mọc ở bất kỳ mọi nơi, rất mong manh, yếu đuối nhưng vẫn không chịu khuất phục. Nó là hình ảnh của con người trong hoàn cảnh khó khăn, dù nhỏ bé, đơn độc nhưng không bao giờ gục ngã. “Mọc” là giai đoạn đầu của thực vật trong quá trình sinh trưởng, phát triển ở đây nó là đại diện cho con người luôn vươn lên, vượt qua mọi thử thách tròn cuộc sống. “Nở” chính là giai đoạn cuối cùng của các loài hoa thực vật trong quá trình sinh trưởng, ở đây ý muốn nói đến việc đã đạt được đích đến là gặt hái, thu hoạch được những thành công. “Chùm hoa thật rực rỡ” chính là đại diện biểu trưng cho cây cối, không chỉ ngọt ngào hương thơm và màu sắc rực rỡ, nó còn chính là những thành tựu, vinh quang, thắng lợi của con người được tác giả mượn tự nhiên để nói đến. Vậy cả câu nói ý muốn chỉ đến sự vươn lên của con người dù cho trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt nào hay con người có luôn nhỏ bé, đơn độc thế nào cũng có thể vượt qua và làm nên những điều kỳ diệu, đạt được thành công.
        Ta có thể dễ dàng nhận thấy cách nói trên là hoàn toàn đúng bởi lẽ nó lột tả được một xã hội chất chứa quá nhiều sự cám dỗ như hiện nay. Những giá trị đạo đức của con người ngày càng đi xuống và kéo theo một thời đại tụt lại phía sau và điều đó phần nào cho thấy lí lẽ đúng đắn ẩn trong câu nói trên. Hơn thế nữa, từ ngàn xưa ông cha ta đã truyền đạt lại nhiều bài học về sự cố gắng, nỗ lực của con người, kiên trì vượt qua bao gian nan, khó khăn để đi đến con đường vinh quang. Nó là lời ca ngợi, đề cao về phẩm chất con người, là lời động viên, kêu gọi, khuyến khích nhưng không chỉ riêng Việt Nam mà còn là điều đúng đắn cho toàn nhân loại. Bởi trên thế giới này, tồn tại không ít những con người đã và đang gặp khó khăn trở ngại, và họ tồn tại song song với biết bao tấm gương đã vượt lên hoàn cảnh. Một hạt mầm bị vùi dập dưới lòng đất thì khi muốn nảy mầm, nở hoa thì đó cũng chính là lúc nó phải biết vượt qua lớp đất dày cộm, đã từng che phủ nó để vươn lên đón lấy ánh nắng mặt trời. Một chú chim non muốn thoát khỏi chiếc vỏ trứng để bắt đầu một hành trình mới thì cũng là lúc nó phải học cách phá vỡ nó. Muốn làm được những điều thành công, đồng nghĩa chúng ta phải biết khó khăn, giới hạn của bản thân nằm ở đâu và phá vỡ nó. Sẽ chẳng có bất cứ một ai khác có thể giúp chúng ta ngoài bản thân chính mình vì tôi đã từng đọc ở đâu đó một câu nói như thế này: “Gửi bản thân tôi – một con người của tương lai, tôi hi vọng một ngày nào đó sẽ thấy được cậu một cách thật kiêu hãnh mỗi khi tôi nhìn vào trong gương”. Nghe qua có vẻ đó là một điều khó khăn, tuy nhiên không điều gì là không thể. Bởi ở đất nước ta và trên thế giới tồn tại rất nhiều những tấm gương sáng, ngọn hải đăng soi sáng, dẫn lối con người ta qua mọi nẻo đường tăm tối. Họ chính là những nhà du hành đã đơn độc chiến đấu trên bãi đất khô cằn, đôi bàn chân trần trụi bước qua, dẫm lên sỏi đá, chịu biết bao đau đớn, tựa như xé toạc cả da thịt nhưng  đến cuối vẫn đi trên con đường đúng đắn, một con đường chỉ mở ra cánh cửa đối với họ. Ở đây phải nhắc đến chủ tịch Hồ Chí Minh – vị chủ tịch vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam, được cả quê hương, đất nước gọi với cái tên thân thương “Bác Hồ”. Bác là một hình ảnh gần gũi nhưng lại hết sức thiêng liêng khi bôn ba khắp nơi, học nhiều thứ tiếng, làm những công việc vất vả để đưa cả một dân tộc qua lầm than gian khó. Bác đã có câu:
“Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền.
Đào núi và lấp biển,
Quyết ắt chí làm nên”.


Hay thư sĩ Hàn Mặc Tử dù bị căn bệnh quái ác giày vò nhưng vẫn cống hiến cho nền văn học Việt Nam, viết nên những cuốn sách hay, tác phẩm cho người đọc. Nhưng tiêu biểu nhất, gây tiếng vang có sức ảnh hưởng đến toàn thế giới. Đó chính là Nick Vuijic – một con người với bị tật ở chân, nhưng nhờ vốn kiến thức và những phẩm chất tuyệt vời nên ngày hôm nay đã tạo ra một con người tuyệt vời được cả thế giới gọi tên. Có thể nói, bàn tay của tạo hóa đã đẩy họ xuống bờ vực của sự khó khăn, éo le nhất của cuộc đời nhưng đã bù đắp trong họ một dòng máu luôn sục sôi tâm huyết, nghị lực, niềm tin, ý chí, lướt qua mọi gian khổ. Để bây giờ, họ không phải là những “cây hoa dại” trên “vùng đất khô cằn” mà họ là những “bông hoa” rực rỡ nhất, luôn tràn đầy sức sống trên mảnh đất do chính họ tạo nên.

        Qua đó, ta thấy được câu nói trên như một đạo lý hướng con người đến tương lai tươi sáng, thoát khỏi chiếc bóng đen tối tăm, mù mịt của chính bản thân. Và nó đã ca ngợi, động viên con người, nhưng đồng thời cũng lên án, phê phán những cái xấu. Nếu như chủ tịch Hồ Chí Minh, anh Nick Vuijic hay thi sĩ Hàn Mặc Tử là những con người đáng khen ngợi thì lại có một số con người đi ngược lại đạo lý đó, không những bị tha hóa đạo đức mà có thể coi như mất nhân tính. Điển hình là Lê Văn Luyện – tên sát thủ đã giết người không gớm tay tại tiệm vàng Ngọc Bích vì hành vi cướp của không kiểm soát, đó là một minh chứng sống vì đã không vì đã không thể vượt lên hoàn cảnh nghèo khó, làm nên cuộc đời mà lại sa chân vào con đường tội lỗi, không lối thoát. Như thế ta mới thấy, không phải cứ cố gắng là được, mà phải luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn kiên định mới có thể giúp ta luôn vững vàng ý chí.
        Chính vì thế, con người chúng ta phải biết dựa theo câu châm ngôn để sống đúng với những gì ta muốn. Phải vượt qua giới hạn bản thân để đi đến thành công. Trong nhà trường, hãy cố gắng để trở thành một học sinh giỏi có thành tích cao. Trong công việc, hay làm việc cố gắng không ngừng nghỉ để gặt hái được thành tích và phải cố gắng từ những điều nhỏ nhất. Hãy đặt ra những mục tiêu cho riêng mình, không cần quá to lớn hay quá nhỏ bé, chỉ cần đúng với năng lực của mình. Và phải nhất định thực hiện dù sớm hay muộn. Nếu chưa có mục tiêu cho riêng mình thì ngay hôm nay bạn hãy đặt ra, vì biết đâu bạn có thể thực hiện tròn tương lai thì sao?

        Vậy để có được thành quả, ta phải biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn, có ươm mầm thì cây mới nở hoa, có gieo trồng ta mới có quả ngọt. Bản thân em là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em sẽ cố gắng phấn đấu để trở thành một học sinh con ngoan trò giỏi, trở thành một công dân tốt đóng góp cho xã hội, vượt qua thử thách bản thân đã đặt ra như câu nói: “Giữa một vùng đất khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở ra những chùm hoa thật rực rỡ”.