Bài đăng gốc:
https://vnexpress.net/hoc-gi-khong-that-nghiep-4587541.html
Hồ Quốc Tuấn
Giảng viên, Đại học Bristol, Anh
Tuần vừa rồi, tôi đại diện khoa Tài chính - Kế toán của Đại học Bristol, Anh tham dự ngày hội giới thiệu các chương trình thạc sĩ của trường.
Một bạn trẻ người Thái Lan ngập ngừng cho biết em đang học hệ cử nhân và muốn tìm chương trình thạc sĩ để học tiếp, nhưng vì lo ngại AI (trí thông minh nhân tạo) sẽ "cướp" đi nhiều việc làm, nên em hỏi tôi chương trình thạc sĩ nào trong lĩnh vực tài chính - kế toán sẽ đảm bảo không bị AI cạnh tranh.
Câu hỏi này tôi từng nhận được một năm trước, từ một phụ huynh người Anh trong ngày hội giới thiệu trường cho học sinh phổ thông. Đây không chỉ là nỗi lo của một hay hai người, mà là băn khoăn của số đông, nhất là vào mùa tuyển sinh, nhiều gia đình đứng trước lựa chọn "học ngành nào", "học cái gì".
Theo nghiên cứu mới của ngân hàng Goldman Sachs, các loại trí tuệ nhân tạo sản xuất nội dung (generative AI) như ChatGPT của OpenAI hay Bard của Google có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu. Theo đó, các công việc trợ lý hành chính ở văn phòng có tỷ lệ được tự động hóa cao nhất với 46%, tiếp theo là 44% cho công việc pháp lý và 37% cho các công việc trong kiến trúc và kỹ thuật. Lĩnh vực hỗ trợ kinh doanh, tài chính và kế toán nằm trong top 5 với 35%. Các lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, lập trình, cũng có thể bị thay thế với tỷ lệ trên 30%.
So với đợt tự động hóa trong sản xuất trước đây, lần này, nhóm nhân viên văn phòng sẽ bị ảnh hưởng khá lớn. Theo cây bút Larry Elliott của tờ Guardian, đợt sóng trí tuệ nhân tạo lần này sẽ hơi khác so với trước đây. Nó không thay thế những công việc chân tay đơn giản bằng máy móc và tạo ra công việc mới, thay vào đó, sẽ gây "xáo trộn" công việc của giới văn phòng trung lưu.
"Xáo trộn" không có nghĩa là thay thế hoàn toàn, mà việc làm của nhân viên văn phòng sẽ không còn dễ dàng như trước. Chỉ có người làm tốt công việc, và có thể thích ứng với thay đổi, mới có thể trụ lại.
Đây chính là điểm tôi nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi "học ngành nào không sợ thất nghiệp?". Với những công việc được đào tạo ở đại học, một phần lớn liên quan đến giới văn phòng trung lưu, không có ngành nào đảm bảo an toàn trước những áp lực do AI tạo ra. Tuy nhiên, thái độ và cách tiếp cận, cũng như cách học tập đúng đắn lại có thể bảo đảm học ngành nào cũng không sợ AI. Nói cách khác, câu hỏi "học ngành nào/nghề nào không thất nghiệp" là một câu hỏi sai, nên được đổi thành "học như thế nào thì không thất nghiệp" hay "thái độ làm việc như thế nào thì không bị AI thay thế".
Đầu tiên là chuyện học như thế nào. Công nghệ AI sẽ khiến những người muốn đi tắt, học vẹt, học mẹo không còn nhiều cơ hội việc làm. Những mẹo như "ba cách khiến bạn nhanh chóng tạo văn bản", hay "năm cách khiến bạn tăng điểm số" sẽ không còn hữu dụng. Bởi vì cách học vẹt, học mẹo không giúp hiểu được vấn đề thấu đáo, mà chỉ là tìm đường tắt hoàn thành một công việc. Đó là làm việc, chứ không phải hiểu việc.
Tình trạng này sẽ khiến người lao động gặp khó khăn khi môi trường công việc thay đổi, điều mà AI chắc chắn sẽ đem lại. Vì vậy, học thực chất, hiểu vấn đề thay vì tìm kiếm kiến thức "mì ăn liền" là điều đầu tiên cần có.
Các trường đại học cũng đã thay đổi giáo trình để sinh viên có phương pháp học chủ động hơn, học tư duy, phản biện và giải quyết vấn đề. Nhưng từ chương trình cho tới thực tế đòi hỏi sự phối hợp của cả hai phía là người dạy và người học. Muốn vậy, người học, cần có trách nhiệm với chuyện học của mình, tránh đối phó rồi trở thành những "xác sống giảng đường" như trong một bài viết tôi từng đề cập trước đây.
Ngoài chuyện có thái độ học tập đúng, người học còn phải tự rèn cho mình kỹ năng mới, hay còn gọi là học tập suốt đời. Đây là một trong những chủ đề chính để tái đào tạo lực lượng lao động cho toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) hướng tới. Ví dụ, tôi dạo này đang tự học cách đặt câu hỏi cho các công cụ như ChatGPT hay Bard để nhờ chúng viết giúp email; học cách sử dụng một công cụ phân tích dữ liệu và huấn luyện mô hình máy học đơn giản mà không cần lập trình... Học cách học một kỹ năng mới trở thành giải pháp tạo ra giá trị tăng thêm cho bản thân, để đảm bảo luôn có tính cạnh tranh trên thị trường lao động.
Theo một dự báo, 85% số việc làm mới ở năm 2030 là những công việc chưa từng tồn tại. Vậy làm sao mà biết "học cái gì" thì chắc chắn không thất nghiệp. Chỉ có học cách tự học kỹ năng mới, có thái độ học tập đúng, học thực chất, hiểu vấn đề, mới giúp các bạn trẻ yên tâm đi tới.
Cuối cùng, kỹ năng cần phải có ở hầu hết nghề nghiệp, cũng là thứ AI không có, là kỹ năng giao tiếp, và khả năng phản ứng với sự kiện bất ngờ. Đây là điều tôi học được từ một sinh viên cũ đang làm ngành kiểm toán ở Anh. Cậu bảo rằng giờ nhiều bạn lạm dụng công nghệ nên thường tìm câu trả lời trên mạng, ít có kỹ năng giao tiếp và cũng thiếu kiến thức cơ bản. Đến lúc đi phỏng vấn việc làm, các bạn đó không có khả năng trả lời câu hỏi ngoài các "bài tủ" đã chuẩn bị. Đi phỏng vấn không ai chờ bạn hỏi Google hay ChatGPT. Đi diễn thuyết với khách hàng cũng vậy.
Muốn giao tiếp tốt, và phản ứng nhanh với những sự kiện bất ngờ, thì trong đầu phải có sẵn kiến thức và những hiểu biết cơ bản về lĩnh vực mình làm, phải thường xuyên đối mặt với những tình huống từ trên trời rơi xuống. Kỹ năng giao tiếp và khả năng ứng biến không phải là thứ cần phải đi học ngành nào, trường gì, mà có thể tự quan sát, học hỏi và trực tiếp thực hành qua cuộc sống hàng ngày.
Nói cách khác, học từ mọi thứ xung quanh bạn mỗi ngày, chủ động học cái mới chính là cách để không sợ bị thất nghiệp vì AI.
Hồ Quốc Tuấn