26 tháng 4, 2014

Thi TN THPT 2014: Đề văn theo hướng Đọc hiểu

Xin giới thiệu với các bạn 1 đề văn với những câu hỏi liên quan đến Đọc hiểu văn bản. Mong nhận được ý kiến phản hồi của các đồng nghiệp. KimMaiVTS@gmail.com chân thành cảm ơn!
----------------------------------------
 I. Đọc hiểu văn bản
Đọc bài thơ và trả lời các câu hỏi:
Luôn có một con đường ở trước bạn
Con đường dài mà bạn đang đi, hướng tới đích
Có một con đường ngắn hơn, cũng ở đó
Con đường nhỏ, ngắn và dễ đi hơn
Nó không dài, không tốn thời gian và không có một chướng ngại vật nào.
Nhưng
Con đường nhỏ ấy
Nó bỏ qua rất nhiều thứ
Nó không cho bạn một tí kinh nghiệm nào
Nó không làm cho bạn mạnh mẽ hơn
Nó không làm cho bạn tốt hơn
Và nó luôn là con đường sai.
Nhưng
Con người vẫn đi con đường nhỏ ấy
Những kẻ trộm đi con đường ấy để trở thành kẻ giàu
Những kẻ lừa dối đi con đường ấy để trở nên thành công
Chúng dễ dàng đạt được những thứ người khác đạt được một cách khó nhọc
Chúng trở nên thành công với nhưng ý nghĩ vô học
Liệu chúng có thể tồn tại?
                                 (Trích tập thơ “Giờ thứ 38”, 2009,Đặng Chân Nhân -Sinh năm 1993)
Câu 1: Đặt nhan đề cho bài thơ trên.
Câu 2: “Con đường nhỏ” có những đặc điểm nào?
Câu 3: Người chọn đi “Con đường nhỏ” sẽ bỏ qua những cơ hội gì?
Câu 4: Người chọn đi “Con đường nhỏ” là những người có tính cách như thế nào?
Câu 5: “ Con đường dài” có những đặc điểm gì?
Câu 6: Người chọn đi trên “Con đường dài” là những người có tính cách như thế nào?
Câu 7: Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì trong bài thơ? Nêu tác dụng của những biện pháp tu từ đó.
Câu 8: Nêu một số tác hại nếu xã hội có nhiều người chọn “Con đường nhỏ”
Câu 9: Nêu một số tác dụng nếu cuộc sống này xuất hiện nhiều người chọn “Con đường dài”.
Câu 10: Hãy nêu tên một số tấm gương trong cuộc sống đã chọn “Con đường dài”  hoặc nêu tên một số tác phẩm văn học ca ngợi những con người đã chọn đi trên “Con đường dài”.
Câu 11: Viết 3 câu để trả lời câu hỏi đặt ra ở cuối bài thơ. Tại sao bạn có ý kiến đó?.
Câu 12: Chỉ ra điểm giống nhau giữa “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”
Câu 13: Chỉ ra 3 điểm khác nhau giữa “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”
Câu 14: Ý nghĩa biểu tượng của “Con đường nhỏ” và “Con đường dài”.
Câu 15: Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc là gì?
Câu 16: Đặng Chân Nhân sáng tác bài thơ này lúc 16 tuổi. Bạn có suy nghĩ gì khi biết thông tin này?
Câu 17: Bạn sẽ chọn con đường nào cho mình? Tại sao?            

2 nhận xét: