14 tháng 12, 2016

Luật Nhân-Quả xưa và nay

Họ và tên : Vương Đức Dũng
Lớp : 10A1

Điểm
8.8
Lời phê
  • Hiểu đề, biết cách làm bài, 
  • Có nhiều ý sâu sắc, 
  • Có thể liên hệ thực tiễn gắn với bản thân sâu sắc hơn.

Đề bài 6: Từ cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và Ác trong truyện “Tấm Cám”, anh chị có suy nghĩ gì về mối quan hệ Nhân – quả trong cuộc sống xưa và nay.

                                                                    Bài làm

Cuôc sống luôn tồn tại hai mặt: tốt và xấu , đúng và sai, thiện và ác ... Chúng không ngừng đối lập nhau, đấu tranh lẫn nhau. Thường thì cái tốt sẽ chiến thắng cái xấu, cái thiện sẽ chiến thắng cái ác. Trong nhiều quy luật đời sống, quy luật nhân quả bao trùm tất cả mọi quy luật. Quy luật này chi phối mọi hoạt động đời sống, có nhân ắt có quả. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, điều đó đã được thể hiện qua nhiều tác phẩm , đặc biệt là truyện cổ tích “Tấm Cám”. Truyện không chỉ đem đến cho người đọc câu chuyện về những mâu thuẫn gia đình mà còn là mối quan hệ nhân - quả sâu sắc  khiến chúng ta phải suy ngẫm.

Vậy “nhân, quả” là gì? “Nhân” là nguyên nhân, cái gốc, cái cơ sở ban đầu, trước tiên. Hiểu rộng hơn, đó là cái mà người ta làm nên, gây ra. “Quả”  là kết quả, cái đến sau, là hậu quả, là cái nhận được của những việc làm mà con người đã thực hiện. « Nhân quả » là mối quan hệ của nguyên nhân đưa đến kết quả tương ứng. Nếu « nhân » là hạt giống thì « quả » là mầm cây. Nếu « nhân » là mầm cây thì « quả » là sự đơm hoa kết trái. Nhân – quả là hai phạm trù có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau trong cuộc sống . Nếu ta gieo nhân lành ắt được quả lành, bằng ngược lại ta gieo nhân xấu, bất thiện tất phải nhận lấy kết quả bất hạnh khổ đau.  

Ngày xưa, mối quan hệ nhân – quả đã thể hiện rất rõ. Không biết từ bao giờ, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã biết đến tính chất nhân quả như một nếp sống đạo đức từ bên trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Vả lại, giáo lý nhân quả lại rất phù hợp với bản chất con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, một dân tộc vốn hiền hòa dễ mến. Ông bà ta đã đúc kết thành những câu nói rất có giá trị để răn dạy con cháu như :”Ở hiền gặp lành”, “Ác giả ác báo”, “ Gieo gió gặt bão”v.v… Đúng như vậy, những người ở hiền sẽ gặp những điều may mắn, tốt đẹp. Cuộc sống của họ dù có phải trải qua sóng gió nhưng rồi sẽ bình an, hạnh phúc. Sự đáp đền dành cho họ thật xứng đáng. Còn ai ăn ở thất đức sẽ phải lãnh hậu quả khôn lường. Cái hạnh phúc mà họ chiếm được từ người khác thật mong manh như làn sương mỏng, sẽ mau tan loãng theo ánh mặt trời lên. Trong truyện “Tấm Cám”, Tấm là người hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng, thật thà, biết yêu thương gia đình, lại còn rất hiếu thảo với Cha. Tuy phải trải qua thật nhiều cay đắng do mẹ con Cám gây ra nhưng cuối cùng, Tấm đã được đón nhận hạnh phúc trọn vẹn với nhà vua. Còn Cám và người Dì ghẻ kia,  vì quá độc ác, tham lam, luôn đối xử tàn nhẫn với Tấm nên phải lãnh một cái chết bi thảm. Phải chăng kết thúc ấy gửi gắm thái độ,  khát vọng của người bình dân xưa về  luật nhân quả !

Ngày nay, mối quan hệ giữa nhân - quả vẫn không thay đổi so với lúc trước. Tuy nhiên, cuộc sống con người đang bị cuốn hút bởi những dòng thác vật chất,  của tiến bộ về khoa học kĩ thuật, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, sự chi phối quá lớn của đồng tiến, con người ta  càng tỏ ra không mấy quan tâm đến  qui luật này. Trong xã hội lúc này xuất hiện những quan điểm cho rằng con người có thể cải tạo thiên nhiên và buộc thiên nhiên quay lại phục vụ cho những nhu cầu của con người. Trước những quan điểm ấy, sự ảnh hưởng  của triết lý nhân quả cũng vì thế mà giảm dần. Nhưng trên phương diện luân lý đạo đức của xã hội, luật nhân quả vẫn mãi là một quy tắc chuẩn mực mà con người không thể trốn chạy hay vượt qua. Dù con người có thành công đến đâu đi nữa thì vẫn không sao tránh khỏi những tác động âm thầm từ tính chất nhân quả. Bởi lẽ, chúng ta phải hiểu rằng tính nhân quả   là một quy luật tất yếu trong vũ trụ. Có những người đâu biết rằng nếu họ ở ác, chỉ biết kiếm lợi cho mình mà bất chấp thủ đoạn hoặc sẵn sàng làm điều mình thích mặc cho người khác đau khổ, họ sẽ bị “quả báo nhãn tiền”. Bởi vì “tức nước vỡ bờ”, họ sẽ lãnh hậu quả là  sự phản ứng của đối phương ngay sau đó là điều tất yếu. Vì họ mạnh có người khác mạnh hơn. Sau đó, ít nhiều họ bị cắn rứt lương tâm, bị mọi người xa lánh, chê cười. Cuộc sống của họ còn có nghĩa gì khi họ không mang lại cho người khác tiếng cười vui hạnh phúc mà chỉ là bất hạnh, khổ đau.  Nặng hơn, họ bị pháp luật trừng trị. Tương lai họ rồi sẽ ra sao? Ngược lại, những người sống tốt sẽ được tin yêu, kính trọng, gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Thật đúng như câu nói “Cho đi là nhận lại”. Chắc hẳn ai cũng biết đến tấm gương yêu nước thương dân Nguyễn Đình Chiểu. Dù bị mù đôi mắt, cụ Đồ Chiểu vẫn hết lòng dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân Nam Kỳ. Ngoài ra, cụ còn  cùng với các sĩ phu bàn mưu tính kế đánh giặc . Nhân cách của cụ đẹp tựa trăng rằm. Vì thế cụ được nhân dân Nam Kỳ hết lòng kính yêu, ngưỡng mộ và còn lập nhà thờ riêng cho cụ ở Ba Tri – Bến Tre. Xã hội ngày một đi lên không đồng nghĩa với việc đạo đức của con người cũng đi lên. Cách đây vài năm, cả nước ta hoang mang, chấn động trước một vụ án kinh hoàng do Lê Văn Luyện gây ra. Tên tội phạm đã sát hại một gia đình rồi bỏ trốn. Hậu quả là hắn đã bị bắt và phải chịu sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật, phải chôn vùi tuổi trẻ và tương lai của mình trong nhà tù với những tháng ngày dài đăng đẳng. Nói đến đây ta đã thấy luật nhân quả thật quá công bằng.      
Lăng cụ Nguyễn Đình Chiểu tại Ba Tri, Bến Tre

Trong vòng xoáy không ngừng của cuộc sống, không phải ai cũng hiểu được nhân – quả. Thậm chí có người còn chẳng sợ luật nhân quả này. Họ thường là những con người sống không có lương tâm, tàn nhẫn, tham lam, không biết quan tâm đến ai, lười biếng, chỉ biết ăn chơi hưởng thụ… Họ chà đạp lên sự sống của người khác. Họ cướp lấy hạnh phúc của người ta. Họ cười cợt lên nỗi đau khổ của nhân loại. Đối với họ, “tình người” là hai chữ khá xa lạ, thậm chí là xa xỉ. Họ sẽ phải lãnh những hậu quả ngay cả họ cũng không thể biết trước được. Những người như thế thật đáng phê phán va chê trách. Và cũng có không ít những tấm gương nhân hậu, vị tha trong xã hội. Họ biết giúp đỡ những người gặp khó khăn, nguy hiểm, biết yêu thương, vì người khác. Rồi niềm vui, hạnh phúc, sự bình an may mắn sẽ mỉm cười với họ. Những con người ấy thật đáng tuyên dương, khen ngợi và noi theo.

Gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng viêc giáo dục lớp trẻ biết sống tốt, sống đẹp. Không ngừng giáo dục, uốn nắn, điều chỉnh hành vi suy nghĩ  cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nên tổ chức những buổi từ thiện ý nghĩa để những người trẻ tuổi được thể hiện sự đôn hậu, thân thiện của mình. Riêng bản thân chúng ta cũng phải ý thức tầm quan trọng của luật nhân quả.   Phải biết chiến thắng cái xấu của bản thân, điều chỉnh hành vi, tỉnh táo trước những cám dỗ để nhân cách không bị tha hóa, không ngừng vươn lên sống tốt hơn, giúp đỡ những người bất hạnh hơn để mang lại nụ cười hạnh phúc cho họ. Mỗi khi suy nghĩ, hành động nếu nghĩ đến mối quan hệ nhân - quả, ta sẽ điều chỉnh, kiểm soát được hành vi của mình, tránh được lối nghĩ bừa, làm ẩu - nguyên nhân của kết cục xấu. Phải biết hành động theo hướng tạo nhân tốt, tích cực để có quả tốt đẹptránh gieo nhân xấu, tiêu cực để khỏi rơi vào kết cục xấu, thất bại. Bài học này đơn giản mà sâu sắc, là "hành trang" đầy ý nghĩa theo suốt cuộc đời chúng ta.  

"Gieo nhân nào - gặp quả nấy". Vì vậy hãy gieo nhân tốt để nhận được quả tốt và hạnh phúc sẽ mỉm cười với bạn. Qua đây, mong các bạn khi  đã biết, đã hiểu về nhân quả thì nên hãy biết tu tâm, dưỡng tính, biết hướng thiện, làm lành để sau này được gieo những nhân lành – quả ngọt.Và khi mỗi người đều biết gieo nhân lành  thì cuộc đời này sẽ trở nên tốt đẹp biết bao!  

    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét