Đề thi tốt nghiệp môn Văn ngày càng chú ý đến tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Trao đổi với PV Báo SGGP, Thạc sĩ Triệu Thị Huệ, tổ trưởng môn Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM, cho biết: Đã đến lúc không được coi môn Văn chỉ là một môn “học bài”, chỉ cần học thuộc lòng là có thể làm được bài. Thực ra, đây là môn học đòi hỏi không chỉ là sự chăm chỉ, mà còn là tư duy, sáng tạo ở học sinh. Với những học sinh có thói quen học “gạo” từng chữ, rõ ràng đây là một trở ngại và thử thách cần phải vượt qua. Yêu cầu thông hiểu và vận dụng kiến thức mà bộ đặt ra cũng đồng thời giúp giáo viên kịp thời bổ sung, điều chỉnh phương pháp ôn tập cho học sinh.
- PV: Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, kết quả sơ kết học kỳ 1 của các trường THPT cho thấy tỷ lệ học sinh giỏi môn Văn khá thấp, chỉ chiếm 6%, trong khi đó tỷ lệ học sinh kém môn Văn rất cao, lên tới 17%. Theo cô, đối với những trường hợp này, giáo viên phải có cách hướng dẫn ôn tập thế nào cho phù hợp?
- Thạc sĩ Triệu Thị Huệ: Tỷ lệ học sinh có điểm kém môn Văn cao, theo tôi cũng có phần lớn nguyên nhân từ chính cách học thiếu chủ động, sáng tạo ở học sinh. Để khắc phục tình trạng này, tất nhiên không phải một sớm một chiều. Tuy nhiên, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ đang đến gần, ngay từ bây giờ, giáo viên phải tập cho HS làm quen với những dạng đề có sự kết hợp cao giữa yêu cầu tái hiện và vận dụng kiến thức, và quan trọng nhất là phải chú ý rèn kỹ năng làm bài. Môn Văn có rất nhiều dạng đề bài, mỗi dạng đề bài này lại có cách thức giải quyết riêng. Nắm được kỹ năng làm bài với mỗi dạng đề bài, học sinh sẽ chủ động trong mọi tình huống. Việc học và ôn thi môn Văn vì thế sẽ nhẹ nhàng hơn, bớt áp lực hơn.
- Hiện nay do xu hướng chọn ngành, chọn nghề, nên nhiều học sinh khá giỏi phải tập trung vào một số môn nhất định, vì vậy nhiều em đã bỏ thi môn Văn, thậm chí có quan niệm thi tốt nghiệp Văn chỉ cần ở mức 3 - 5 điểm, miễn sao thi ĐH khối mình chọn đạt kết quả cao là được. Cô nghĩ sao về điều này?
- Rõ ràng, việc coi nhẹ môn Văn và những hậu quả của nó (như việc nhiều sinh viên khi ra trường vẫn yếu kỹ năng giao tiếp, diễn đạt…) đã được dư luận quan tâm, thậm chí báo động trong nhiều năm qua. Trong rất nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân từ việc học sinh nhận thấy đây là môn học còn nặng nề, mang tính áp đặt, từ đó nảy sinh tâm lý chán học, học đối phó… Với cách ra đề thi chú ý nhiều đến tính chủ động, sáng tạo của HS như hiện nay, tôi tin rằng môn Văn sẽ là môn học chiếm được cảm tình, hứng thú ở người học.
- Trong kỳ thi tốt nghiệp 2011 cũng như thi ĐH-CĐ năm nay, cô có lời khuyên nào dành cho các bạn học sinh sắp “vượt vũ môn”?
- Để làm bài thi (ở cả kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ), học sinh cần nắm thật chắc cấu trúc đề thi do Bộ GD-ĐT ban hành, vì trong cấu trúc đề thi, không chỉ thể hiện các dạng thức đề thi mà còn bao gồm cả phạm vi kiến thức cần ôn tập. Cũng cần phân biệt sự khác nhau giữa hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và ĐH-CĐ) về phạm vi kiến thức, về thời lượng, dung lượng bài viết. Ở kỳ thi tốt nghiệp, cần tránh quan niệm cho rằng câu hỏi tái hiện kiến thức về giai đoạn, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và nước ngoài chỉ tập trung vào một vài tác phẩm. Cần rèn cách trả lời rõ ràng, mạch lạc, có thể gạch đầu dòng chứ không nhất thiết phải viết thành đoạn hay bài văn. Với bài văn nghị luận xã hội (khoảng 400 từ), để đảm bảo được thời gian, không ôm đồm đưa vào bài quá nhiều dẫn chứng thực tế. Cần ôn tập cách làm bài đối với cả hai dạng bài (nghị luận về tư tưởng đạo lý và hiện tượng đời sống). Ở kỳ thi ĐH-CĐ, chú ý rèn kỹ năng làm bài với dạng đề có tính chất so sánh, tổng hợp (ở cả nghị luận văn học và nghị luận xã hội). Với dạng đề bài này, nên tách riêng từng vấn đề ra để giải thích, phân tích, bàn luận rồi tổng hợp lại, so sánh, đối chiếu về sự tương đồng, khác biệt (ở nghị luận văn học), rút ra những giải pháp, bài học nhận thức và hành động (ở nghị luận xã hội).
NGUYỄN THỦY (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét