28 tháng 12, 2011

Tôn sư trọng đạo


Họ và Tên: Nguyễn Mỹ Tuyền
Lớp: 10A8
Đề: Suy nghĩ và hành động của anh chị trước tư tưởng của nhân dân ta về "Tôn sư trọng đạo"
Bài làm
“Tôn sư trọng đạo” không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta . Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức , con người còn văn minh thì người thày còn được tôn trọng . Vì thế , dù thời kì lịch sử nào , dù xã hội nào “tôn sư trọng đạo”vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp và cần thiết cần được giữ gìn và phát huy . Đó là yếu tố quan trọng làm nên lối sống đạo đức của xã hội loài người.
Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng ý nghĩa rất sâu sắc về Đạo và Thầy . Những câu nói ấy vừa tôn vinh người thầy , vừa nhắc nhỡ con cháu biết sống cho phải đạo làm người . Thầy là người vạch đường chỉ lối cho ta “Không thầy đố mày làm nên” . Vì thế vị trí người thầy được đặt ngang hang với vị trí cha mẹ: “Công cha , nghĩa mẹ , ơn thầy” . Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình :
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.”
Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được tôn trọng “nhất tự vi sư , bán tự vi sư” . Bởi vậy “tôn sự trọng đạo” không còn là quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức . Thời xưa Platôn , Aritxtôt , Khổng Tử , … từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò . Ngày nay , người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” . Dù ở phương Đông hay phương Tây dù mối quan hệ thầy trò có bình đẵng đến đâu , gần gũi đến đâu thì ranh giới thầy trò , vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.
Trên thực tế , vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn . Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng , nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất . Về phía học sinh , bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn , thực hiện đúng đạo làm trò , kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo , đã có không ít chợt quên đi đạo nghĩa thầy trò . Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò , làm buồn lòng các thấy cô . Đã có những câu truyện đau lòng các thầy cô giáo . đã có những câu chuyện mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô , vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bão chúng em những điều hay lẽ phải , truyền đạt những tinh hoa tri thức nhân loại .  Xã hội đã và đang tiếp tục lên án những học sinh đó . Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm bút viết lên tờ giấy trắng ấy những trang thẳng hàng rõ nét , rõ chữ nhất chính là thấy cô giáo . Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức , biểu hiện của văn minh , tiến bộ . “Đạo” không chỉ dừng lại ở đạo làm trò , ở những hình thức , thái độ ứng xử với người thầy mà còn là vấn đề đạo đức xã hội . Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành ,  tiếp thu tri thức . Vì thế , vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi , từ người truyền đạt tri thức đã trở thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tương lại rộng mở phía trước , dù xã hội có đi đến đâu , xã hội ấy vẫn có những người muốn học , muốn thực hiện nhiệm vụ dạy bão người đời sau .  Trong cuộc sống ngày nay , khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩ về vấn đề “Tôn sư trọng đạo” cần được tiếp tục thừa kế và phát huy hơn nữa.
Tóm lại , tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta . Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường , chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này . Tôn sư trọng đạo cần được quan tâm hơn nữa.

Kỷ luật học đường

Trương Thị Hồng Thảo                   Lớp:           10A8          
 Đề: Suy nghĩ và hành động của anh/ chị về nội qui trường học: “ Học sinh phải kính thầy yêu bạn, thực hiện nếp sống văn hóa, trang phục gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với học sinh.
Bài làm
 Trong xã hội hiện nay, học sinh chính là những mầm non tương lai của đất nước. Đất nước muốn phát triển tốt thì phải cần những khởi đầu vững chắc, vì thế việc học là rất quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, để là một học sinh tốt trước hết chúng ta phải biết kính thầy yêu bạn, thực hiện nếp sống văn hóa, trang phuc gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với lứa tuổi học sinh.
 Vậy thế nào là kính thầy yêu bạn? Kính là tôn trọng, lễ phép với thầy cô và người lớn tuổi. Thầy là người đóng vai trò chủ đạo trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức của học sinh. Số lượng trường lớp ngày càng tăng là một minh chứng đầy sức thuyết phục cho vị trí của người thầy trong cuộc sống. Yêu bạn là quí mến bạn bè, biết sẻ chia trong những lúc khó khăn. Biểu hiện của kính thầy yêu bạn là những việc làm như lễ phép chào hỏi thầy cô hoặc người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè, cho bạn mượn bút, nụ cười sẻ chia khi bạn đạt kết quả cao trong học tập. Còn thực hiện nếp sống văn hóa là gì? Đó là nói năng đúng mực, lễ phép, không thô lỗ cộc cằn, không nói tục, chửi thề. Biết giữ gìn vệ sinh chung, ăn mặc đúng qui định, trang phục gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với học sinh.
Những nội qui nhà trường đưa ra thật đúng đắn. Thử nghĩ xem nếu như một trường học mà những học sinh đều ngoan hiền, lễ phép thì sẽ như thế nào? Ví dụ như những trường Võ Thị Sáu, Gia Định,...Các bạn học sinh đều biết kính trọng thầy cô, người lớn tuổi, mặc những bộ đồng phục sạch sẽ tinh tươm. Những hình ảnh đó thật đẹp biết bao nhiêu. Vậy học sinh chúng ta phải thực hiện tốt nội qui nhà trường vì những điều đó là cần thiết và tốt cho chúng ta.
Nhưng bên cạnh đó, có nhiều trường học không quan tâm đến những vấn đề trên, học sinh cũng không để ý đến bảng nội qui. Chẳng hạn như những trường GDTX, bổ túc văn hóa... Các bạn học sinh hầu hết đều nói tục, chửi thề, một số trường hợp quậy phá thầy cô, hút thuốc trong giờ học... Những trường hợp ấy thật đáng trách và phê phán.
Là học sinh, em và những bạn khác sẽ cố gắng thực hiện tốt nội qui nhà trường, nhận ra được tác hại nếu như không thực hiện những điều đó. Riêng bản thân em, em sẽ có những phương hướng hành động đúng đắn để không vi phạm nội qui nhà trường.
Việc kính thầy yêu bạn, thực hiện nếp sống văn hóa, trang phục gọn gàng, sạch sẽ phù hợp với học sinh là rất đúng đắn. Chúng ta phải thực hiện cho tốt bởi vì đó không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của học sinh.

14 tháng 12, 2011

Tư liệu : Về "Trái tim không tật nguyền" Trần Đỗ Huy

Mệnh lệnh trái tim - Kỳ 5: Trái tim không tật nguyền
TT - Tai nạn ập đến khi còn là một sinh viên khiến Trần Đỗ Huy phải nằm liệt giường. Những tưởng cuộc đời sẽ nhấn chìm trong đau đớn và tật nguyền, vậy mà chỉ với một ngón tay út cựa quậy được anh đã viết lên những câu chuyện đẹp trên thế giới mạng.
Bạn bè hỏi chuyện, Huy nói nhẹ tênh: “Dù tật nguyền hay lành lặn thì cũng phải giữ lấy đạo làm người. Cái tình có thể cứu rỗi hết những đau thương và mất mát mà phận người phải đi qua...”.
Chị Mai Trâm tìm đến cảm ơn Huy đã giúp chị vượt qua cú sốc tinh thần - Ảnh: Hồng Ánh
Lời cầu cứu từ một bức thư
Giữa năm 2008, trên trang mạng từ thiện Người tôi cưu mang xuất hiện một dòng thư ngắn được đăng bởi một thành viên có nickname Xelan90. Bức thư viết: “Tôi tên Trần Đỗ Huy, là một người tàn tật nặng không tự chăm sóc được bản thân. Nhưng hôm nay tôi lại muốn giới thiệu một hoàn cảnh khác cần sự giúp đỡ hơn tôi. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Hoàng Nam, sinh năm 1975. Cách đây khoảng hai năm, anh Nam bị tai nạn chấn thương cột sống cổ, nhưng cũng may là bị gãy ở đốt sống cổ thứ 7 nên anh Nam còn cử động được hai cánh tay, còn từ bụng trở xuống bị tê liệt, không cử động được. Hiện nay anh Nam đang sống cùng cha mẹ già với năm đứa cháu, ba đứa con nhỏ trong một căn nhà nhỏ thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Dương. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào hơn 100 cây cao su, chỉ có một mình vợ anh là lao động chính, lại vừa chăm sóc chồng con. Kinh tế gia đình anh Nam hiện tại rất khó khăn, tình trạng sức khỏe anh Nam rất yếu, không đủ tiền uống thuốc và ăn... Tôi đã và đang nằm liệt giường hơn 18 năm nay nên rất hiểu sự khổ sở của anh Nam. Thú thật nhà tôi ở gần nhà Nam, nhưng tôi chỉ biết Nam qua điện thoại sau những lần gọi điện động viên. Mong mọi người tìm cách cứu giúp người bạn chưa từng gặp mặt của tôi...”.
Bức thư chỉ vỏn vẹn 504 từ, nhưng ít ai biết rằng Huy đã phải dồn hết sức trong ba ngày, mỗi ngày dành đến năm giờ vật lộn với ngón út duy nhất còn cử động được để gõ chữ. Anh tâm sự: “Tôi phải dồn hết sức để nâng cánh tay lên rồi thả xuống cho ngón út chạm vào bàn phím chứ có cựa quậy gì được. Ngày đầu tôi mới viết được vài dòng thì người mệt lả, nằm dài ra thở hổn hển... Nhưng khi nghĩ đến Nam, nghĩ đến con người đang trong cơn bi kịch và tuyệt vọng tôi lại cố gượng viết. Bởi tôi nghĩ không thể thấy người đang gặp hoạn nạn mà không giúp được. Hơn nữa đó cũng là cách giúp chính bản thân tôi, giúp trái tim tôi thoát khỏi sự tật nguyền...!”.
Câu chuyện một người liệt tứ chi 18 năm đi xin giúp đỡ cho một người bạn bị liệt nửa người đã làm lay động nhiều thành viên trên mạng. Ngoài việc giúp Nam, nhiều người đã ngỏ lời giúp Huy nhưng anh từ chối: “Còn nhiều người có hoàn cảnh bi đát hơn tôi, xin các bạn hãy dành những khoản đó để giúp người khác, được như thế là tôi vui lắm rồi. Đừng xem tôi như một người tàn phế, hãy cho tôi cơ hội được sẻ chia, được sống như một con người bình thường...”.
Tiếp theo câu chuyện của Huy, một bạn trẻ là sinh viên chia sẻ trên diễn đàn: “Cảm ơn anh Xelan90, cho em được gọi anh là hiệp sĩ xe lăn! Anh đã giúp những người trẻ như tụi em thêm tin yêu vào cuộc sống, tin rằng trên đời này vẫn còn những người tốt để tiếp tục hành trình làm người của mình. Câu chuyện của anh đã giúp tụi em hiểu hơn về tình người, về giá trị của sự sẻ chia. Và trên hết, đó là bài học biết sống vì người khác dù ở bất cứ hoàn cảnh nào...”.
Như là cổ tích...
Trần Đỗ Huy sinh năm 1970, quê ở ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Gia đình nghèo, mọi ước vọng của người mẹ già đều đổ dồn lên đứa con trai đang là sinh viên trường trung cấp xây dựng. Tai nạn bất ngờ vào năm 1990 đã cướp đi niềm hi vọng cuối cùng của gia đình anh.
Tỉnh dậy sau sáu tháng mê sảng ở bệnh viện, Huy chỉ biết nhìn người mẹ già tiều tụy sau những ngày nuôi con mà khóc: “Con xin lỗi mẹ. Bây giờ con chỉ còn mỗi trái tim, con hứa sẽ dùng nó để làm người tử tế.” Ra viện, người mẹ già phải chạy vạy khắp nơi để lo thuốc thang cho con, của cải trong nhà bán hết nhưng số phận liệt giường của đứa con vẫn không thể nào thay đổi được.
Trong cơn đau của thể xác và sự túng quẫn của gia đình, nhiều lần Huy đã không làm chủ được bản thân. Anh kể lại: “Thấy mẹ già vất vả, cơn đau thể xác liên tục hành hạ, tương lai lại mù mịt nên nhiều lúc tôi đã nghĩ quẩn. Năm 1998, nhân lúc mẹ đang làm vườn, tôi đã dùng dao lam tự cắt cổ tay mình để giải thoát cho bản thân và gia đình. Sau lần dại dột đó, tôi mới thấm thía hơn giá trị của mạng sống, trái tim tôi như được hồi sinh. Đó là một sự trải nghiệm quá đắt, chỉ mong rằng những ai đang lành lặn ý thức được điều này. Đừng để khi chạm cửa tử thần mới nhận ra giá trị thực của cuộc sống, đó là tình người và sự sẻ chia...”.
Sau lần viết thư giúp Nam, nickname Xelan90 của Huy được nhiều người chú ý hơn. Anh trở thành một thành viên tích cực trên mạng từ thiện. Ngoài việc thường xuyên gọi điện thăm hỏi, động viên Nam thì Huy còn là “nhà tư vấn tâm lý” tích cực cho những người đồng cảnh ngộ được giới thiệu trên mạng. Anh chia sẻ: “Lúc đầu đường đột gọi cho họ cũng khó khăn lắm. Có người không tin, nghĩ là mình lừa đảo gì đó... Nhưng bằng sự kiên trì và chân tình của mình dần dần người ta cũng hiểu ra. Mình chẳng có gì ngoài tấm lòng và kinh nghiệm của một người nằm liệt giường hơn 18 năm, những cuộc điện thoại đơn giản chỉ là tâm sự, chia sẻ những thiệt thòi với người cùng cảnh ngộ mà thôi. Có rơi vào hoàn cảnh này mới thấy hết giá trị của những lời động viên, đôi khi còn hơn cả những liều thuốc bổ... Với tôi cũng thế, càng giúp được nhiều người tôi lại thấy như mình khỏe ra”.
Có một câu chuyện đặc biệt của một người đồng cảnh ngộ với Huy. Đó là chị Mai Trâm bị tai nạn liệt nửa người ở Cái Bè, Tiền Giang. Hai đứa con còn nhỏ, nhà lại nghèo nên chị hoàn toàn suy sụp trước bi kịch cuộc đời. Biết chuyện, Huy thường xuyên gọi điện động viên, nhờ thế mà tinh thần của chị ngày một khá hơn. Huy gieo cho chị niềm tin vào cuộc sống bằng những câu chuyện 18 năm bị liệt của đời mình.
Nhờ những lời động viên của anh mà sức khỏe của chị ngày một bình phục. Mỗi khi Mai Trâm trở bệnh, Huy là người đầu tiên biết tin và vào trang mạng để thông báo với mọi người giúp đỡ kịp thời.
Mới đây, chị Mai Trâm được các thành viên giúp đỡ đưa lên TP.HCM tập vật lý trị liệu, Huy cũng là người đầu tiên thông báo tin vui: “Hôm nay Mai Trâm đã chập chững tự bước được sau nhiều năm ngồi xe lăn. Nhận được tin này tôi vui như chính mình tìm lại được bước đi...”.
Cứ thế, trong cuộc chiến đấu thầm lặng giữa đời mình, Huy có cái hạnh phúc riêng mạnh mẽ nhất của con người: nhận hết những nỗi đớn đau và tuyệt vọng để hóa giải nó thành sức mạnh niềm tin và hi vọng tốt đẹp nhất cho con người.
THẾ ANH
_______________________
Có một bác sĩ quê gốc miền Trung đã trưởng thành trong nghèo khó. Trở về quê, anh bắt đầu thực hiện ước mơ xưa: quên mình để sẻ chia với con người trong lúc khốn cùng...
Kỳ cuối:  Ước mơ của bác sĩ Thảo
Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
(3)
Gửi chú Huy!
03/12/2011 20:17:09
Sống đến 18 năm trời nhưng con chưa bao giờ hiểu hết giá trị của cuộc sống. Con chỉ biết rằng sống giàu sang, đầy đủ là hạnh phúc. Con chưa bao giờ hiểu hạnh phúc thật sự là sự sẻ chia và đồng cảm. Con xin cám ơn chú về bài học cuộc sống, và đây chắc là một hành trang giúp con trong cuộc sống sau này.
HongDao
Xin cảm ơn
01/12/2011 20:44:07
Tôi là người tàn tật, liệt nửa người 6 năm nay. Tôi rất cảm ơn những hành động cao đẹp của anh Huy, anh đã giúp người cùng cảnh ngộ nói lên những đau thương của mình. Tôi mong muốn được làm thành viên trong nhóm anh Huy để được chia sẻ và tư vấn.
ức văn lợi
Gửi Huy
30/11/2011 09:46:32
Tôi rất thán phục Huy và cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã cho tôi thêm nhiều tấm gương để từ đó tôi có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn cuộc sống. Tôi thấy hổ thẹn với chính mình vì đã gục ngã trước những thách thức không là gì so với những mất mát mà các bạn đã trải qua. Cố gắng lên tôi ơi, đừng tuyệt vọng.
Do thi

Tư liệu : Về "Kẹo mút chơi bời"

Truy lùng tung tích “kẹo mút chơi bời”
TT - Từ một chuyện bất nhẫn ngoài đời thường được đưa lên mạng, những “hiệp sĩ” trong thế giới ảo đã hành hiệp bằng cách tìm kiếm và cung cấp thông tin để cơ quan điều tra truy tìm nghi can.
Hàng chục tài khoản trên mạng xã hội ảo Facebook đã được lập ra để truy lùng thông tin của nickname “kẹo mút chơi bời” - Ảnh: Phi Long
Sau một vụ tai nạn giao thông tối 1-11 tại TP Yên Bái, một bạn trẻ có nickname “kẹo mút chơi bời” đã đưa lên trang cá nhân mạng xã hội ảo Facebook nội dung “Xong! Chúng tôi vừa đâm vào một thằng già gần 60 tuổi, khả năng chết”.
Tiếp đó, nickname này tiếp tục thông tin thêm về cái chết của nạn nhân một cách “hả hê”: “Tin buồn! Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin cụ già 60 tuổi đêm qua bị chúng tôi đâm xe máy đã củ tỏi vào hồi 17g07, anh em phang lô đề nhiệt tình đi, lão sinh năm 1953”. Bức xúc trước sự việc này nhiều bạn trẻ đã khẳng khái ra tay trên mạng...
Hội những người săn lùng cái xấu
Blogger có nickname “Nhẹ dạ cả tin” bình luận: “Ai cũng có thể ra đường và đâm chết người nhưng không ai dám thốt ra những lời vô nhân đạo như vậy. Tôi sẽ xóa bạn ra khỏi danh sách bạn bè”. “Không thể chấp nhận lời nói như vậy của một người trẻ, mạng sống của con người không thể trở thành một thứ để trêu đùa”, một bạn có nick “Tuấn Thanh” phản ứng. Hàng trăm bình luận lên án gay gắt đã khiến nickname “kẹo mút chơi bời” xóa trang cá nhân, nhưng nhiều bạn trẻ đã lập ra những trang mới với chủ đề chống nickname nói trên.
Chỉ trong vài ngày đã có hàng chục hội được lập trên Facebook nhằm truy tìm thông tin và tung tích của “kẹo mút chơi bời” như “Trang tìm kiếm thông tin về sát nhân kẹo mút chơi bời”, “Hội những người quyết săn lùng sát thủ kẹo mút chơi bời”... Mỗi trang thu hút hàng nghìn blogger tham gia bình luận và lên án. Hàng nghìn bạn trẻ trên thế giới ảo đã vào cuộc để cung cấp thông tin về họ tên, quê quán, trường lớp và cả những nick chat mà “kẹo mút chơi bời” hay dùng để mong tìm ra nơi lẩn trốn của đối tượng này...
Một số bạn trẻ còn ra khỏi mạng ảo, gặp nhau ngoài đời để trao đổi thông tin thu thập được và truy tìm “kẹo mút chơi bời”. Một nhóm bạn trẻ của diễn đàn vozforums.com đã không dừng lại ở việc tìm kiếm thông tin trên mạng, mà tổ chức thành các nhóm nhỏ đến các địa điểm được cho là nơi “kẹo mút chơi bời” hay lui tới, hi vọng tìm gặp đối tượng và thông báo công an...
Chính nghĩa trong thế giới ảo
Blogger Toại Nguyễn cho biết cách đây một năm cũng có một nhóm bạn trẻ Hà Nội vẽ bậy ở hầm chui Kim Liên, đưa hình lên mạng khoe chiến tích cũng bị cộng đồng mạng lên án. Sự việc lần này nghiêm trọng hơn.
Theo anh Bạch Thành Trung, quản trị diễn đàn vozforums.com, cộng đồng mạng phản ứng với những sự việc nóng xảy ra trong đời sống, những phát ngôn gây sốc là chuyện thường xảy ra. Tuy nhiên, trường hợp này đặc biệt hơn ở chỗ đây là một sự việc cụ thể, liên quan đến một con người cụ thể.
“Cộng đồng mạng phẫn nộ với phát ngôn của “kẹo mút chơi bời” vì bạn này xem cái chết của một mạng người là chuyện bông đùa. Tâm lý đám đông cũng thể hiện rõ khi nhiều người cùng phản ứng dây chuyền, tụ tập nhóm ngoài thực tế để đi tìm nickname kia...” - anh Trung nói.
Cũng theo anh Trung, việc cộng đồng mạng phát hiện một sự việc cụ thể, lên án và gây sức ép để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra sự thật không lạ ở nước ngoài, nhưng tại Việt Nam đây là một trong những trường hợp hiếm hoi.
Còn với thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu - giảng viên Trung tâm đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt: “Việc những bạn trẻ quyết tâm truy tìm tung tích của nickname “kẹo mút chơi bời” là dễ hiểu vì tính chính nghĩa, tâm lý chống lại cái xấu luôn tồn tại trong mỗi bạn trẻ và chỉ cần cơ hội nó sẽ bộc phát”.
PHI LONG
Hoan hô
10/11/2011 1:26:46 CH
Khi có nhiều người đưa tên "kẹo mút" này ra ánh sáng, có nghĩa là vẫn còn nhiều người còn quan tâm đến chính nghĩa, nhân tâm và đạo đức. Hoan hô!
Dũng
Vô nhân tính
10/11/2011 12:18:25 CH
Đúng là vô nhân tính. Nên loại bỏ người này ra khỏi xã hội.
Phan Hoàng Anh Dũng

Nghị luận về những vấn đề thời sự

Chuyện cuộc sống đi vào đề văn
TT - Thái độ vô cảm của thanh niên có nickname “Kẹo mút chơi bời” trên mạng xã hội Facebook và tấm gương về một “trái tim không tật nguyền” của anh Trần Đỗ Huy trên báo Tuổi Trẻ đã đi vào đề kiểm tra văn học kỳ I của học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) vào sáng 13-12.
Nhiều học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết rất hứng thú với đề văn kiểm tra học kỳ I. Trong ảnh: một nhóm học sinh lớp 12 của trường này - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cả học trò lẫn giáo viên đã đón nhận đề văn này với nhiều cảm xúc: Nhắc lại thái độ vô cảm của nickname “Kẹo mút chơi bời” về cái chết của một nạn nhân tai nạn giao thông. Và hình ảnh của anh Trần Đỗ Huy - người chỉ còn duy nhất ngón tay út cử động được nhưng đã dành tất cả sức lực, của trái tim còn lành lặn của mình để giúp đỡ cho những số phận tật nguyền khác (Tuổi Trẻ ngày 30-11). Và yêu cầu của đề thi là điều rất mới: “Hai câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về lối sống của một trái tim không tật nguyền?...”.
Đề kiểm tra nhiều cảm xúc
Ra đề văn này là cô Trương Thị Mỹ Phượng, một giáo viên có gần 30 năm dạy văn ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cô Phượng nói hai câu chuyện cô chọn đưa vào đề thi vì lý do đầu tiên là những câu chuyện đó đã mang lại nhiều cảm xúc trong cô, dù trái ngược nhau khi đọc. Và cô Phượng tin học trò cũng có cùng những cảm xúc ấy như mình. Sự khẳng định ấy đến từ một niềm tin lớn hơn.
Cô Phượng chia sẻ: “Tôi đọc những dòng vô cảm, lạnh lùng của “Kẹo mút chơi bời”, rất giận. Nhưng tôi tin đó chỉ là thiểu số, chỉ là những giây phút điên khùng chứ không phải là mẫu số chung của nhân tâm các bạn trẻ, của những học trò như tôi đang dạy”.
Còn câu chuyện của anh Trần Đỗ Huy, người chỉ còn mỗi ngón tay út lành lặn và nói với mẹ mình rằng sẽ dùng trái tim lành lặn để làm người tử tế, thì: “Tôi muốn khơi gợi trong các em rằng có rất nhiều ngả đường để làm người tốt, đó là cách để các em nuôi dưỡng trái tim mình, không bao giờ để nó tật nguyền - như anh Huy đã làm”.
Trân trọng cách suy nghĩ
Cô giáo Trượng Thị Mỹ Phượng năm nay 52 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 1984 và công tác tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ đó đến nay. Trước khi đến với nghề giáo, cô Phượng từng là một người lính quân y và thông tin tại chiến trường Campuchia, đóng quân ở Sisiphone (Battambang) từ năm 1977-1980.
Cô Phượng nổi tiếng là một giáo viên nghiêm khắc, từng cho điểm rất thấp với nhiều bài văn nhưng cũng từng cho không ít điểm 10 mà theo cô Phượng: “Những bài văn điểm 10 tôi chấm không phải dành cho sự hoàn hảo về cách hành văn mà là sự trân trọng dành cho các em trước một thái độ, một cách suy nghĩ”.
Và niềm tin ấy của cô Phượng với các học trò đã không đặt nhầm chỗ. Đề thi yêu cầu chỉ viết trong 400 chữ và barem chỉ là 3 điểm nhưng không ít học trò đã dành nhiều thời gian thi để viết kín hai trang giấy kẻ ngang (giấy thi). Em Lý Nguyên Phi - học sinh lớp 12 chuyên Anh, một trong những học sinh đã viết kín hai trang giấy thi - bày tỏ: “Em đã dành hết nửa thời gian thi (120 phút) để làm câu này bởi câu hỏi rất gần gũi. Chưa bao giờ em làm một đề thi mà lại gặp những chuyện trên Facebook, trên những website của tuổi teen, được viết những suy nghĩ của mình”.
Tương tự, Kiều Vy, học sinh lớp 12 chuyên song ngữ, nói: “Trước đây tụi em cũng từng được làm những đề văn nghị luận về lối sống vô cảm, về đạo lý nhưng đều phải gò vào những khuôn mẫu có sẵn, chứ không phải được viết theo suy nghĩ của mình như lần này”.
Những gì được viết trong bài kiểm tra văn học kỳ I của học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn phải đợi các giáo viên chấm bài. Nhưng chỉ sau khi kết thúc buổi kiểm tra vài giờ, nhiều trang Facebook và Twitter của các học sinh vừa làm bài đã tràn ngập những dòng cảm xúc về đề văn này.
Có rất nhiều dòng cảm xúc từ đề kiểm tra văn được các học sinh đưa lên. Và nói như nickname Facebook - Kyoteuk Elf, một học sinh lớp 12 chuyên song ngữ, thì: “Giống như vừa xem một bộ phim mà mình thích ở nhà, giờ lại gặp bộ phim ấy ngay trong đề kiểm tra”.
“Điểm số của các em trong đề kiểm tra này còn phải chờ chấm bài. Nhưng tôi tin đề văn chính là một cuộc trắc nghiệm chính xác về thái độ của học sinh trước sự vô cảm. Và cách các em làm bài, cách các em thổ lộ trên mạng xã hội sau khi làm bài giúp chúng tôi có thể đặt nhiều niềm tin vào các học trò của mình” - cô Triệu Thị Huệ, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Lê Hồng Phong, chia sẻ.
Sẽ còn nhiều đề kiểm tra như vậy
Đây là khẳng định của thầy Võ Anh Dũng - hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong - sau đề kiểm tra văn học kỳ I lớp 12 sáng qua. Thầy Dũng nhìn nhận: “Trước đây, chúng ta thường ra đề gần giống với đề thi đại học, cao đẳng để giúp các em làm quen dần. Nhưng nay đề thi gần gũi với cuộc sống mới quan trọng, thoát khỏi sự gò bó, sự sáng tạo của các em được bày tỏ nhiều hơn. Và chắc chắn sắp tới ở Trường THPT Lê Hồng Phong sẽ còn nhiều đề kiểm tra như vậy”.
Không chỉ học trò mà nhiều đồng nghiệp cùng trường của cô Trương Thị Mỹ Phượng cũng bày tỏ sự đồng cảm và cảm xúc của mình trước đề kiểm tra văn này. Cô giáo Nguyễn Thanh Hà, giáo viên cùng tổ văn với cô Phượng, nhận xét: “Cách cô Phượng dùng một sự việc gần gũi với các học trò để các em bày tỏ suy nghĩ về đạo lý đã thoát khỏi những khuôn mẫu vốn có trong việc dạy văn. Sự đón nhận của học trò với đề kiểm tra này là một kinh nghiệm quý với các giáo viên trẻ như tôi”.
Cô Triệu Thị Huệ - người đã quyết định chọn đề kiểm tra này trong nhiều đề được gửi lên - đánh giá: “Đề kiểm tra này không những gắn với thực tiễn mà có cái hay là vừa quen lại vừa lạ. Quen về vấn đề yêu cầu với học sinh nhưng rất mới về hiện tượng, sự kiện, giúp các em hào hứng, có nhiều cảm xúc khi làm bài”.
Đó là điều mà theo cô Huệ, sự sáng tạo của người ra đề được thể hiện rất rõ. “Nếu không có đủ thực tiễn, không bắt được mạch suy nghĩ của học trò, giáo viên dù chuyên môn giỏi cũng không có được đề kiểm tra để học trò bày tỏ được cảm xúc như thế” - cô Huệ nhận xét.
NGUYỄN VIỄN SỰ
Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
(10)
Mong
14/12/2011 22:31:43
Thật vui vì còn có những giáo viên tâm huyết như cô Phượng, tôi mong sao các giáo viên khác cũng làm được như cô. Tôi mong như thế vì đã gặp một chuyện thật trớ trêu.
Tôi có một bé gái năm nay học lớp 4, vừa rồi cháu gặp đề văn: "Hãy miêu tả món đồ chơi mà em thích". Con tôi rất thích chiếc lồng đèn kéo quân mà trung thu vừa rồi tôi cùng cháu làm. Cháu muốn tả chiếc lồng đèn đó nhưng do còn nhỏ chưa biết cách hành văn, sắp xếp ý và bài làm hơi ngắn nên cô giáo không chịu. Thay vì hướng dẫn con tôi viết lại thì cô giáo mắng cho một hồi rồi bảo cháu lấy văn mẫu ra viết vô liền để cô chấm điểm.
Thật đáng buồn phải không?

tththuy1611@...
Mong chờ
14/12/2011 19:57:08
Em học lớp 11 nhưng nghe các anh chị lớp 12 xôn xao về đề thi lần này của trường mình cũng háo hức chung. Em thấy đề lần này rất hay và giàu ý nghĩa, không chỉ khơi gợi tình cảm nơi học sinh mà còn mở rộng phạm vi trong bài nghị luận xã hội môn văn nữa. "Văn học là nhân học" :). Em mong chờ đề thi năm sau quá!
Nguyễn Quỳnh
Cảm ơn thầy cô
14/12/2011 16:24:53
Tôi đã từng là một học sinh trải qua thời đi học với những bài làm văn hết sức gò bó, theo khuôn mẫu. Các bạn đồng trang lứa của tôi hồi đó cũng ít thấy được sự thú vị trong bộ môn văn. Nhưng giờ đọc bài viết này tôi rất tin tưởng giáo dục Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ thực sự dạy cho các em cách làm, cách sống yêu thương! Xin trân trọng cảm ơn các thầy cô!
Do Hop
Cảm ơn cô!
14/12/2011 13:58:17
Con thật là may mắn khi được cô dạy dỗ trong năm học lớp 11. Những bài học của cô đã dạy cho con cách làm người, cách sống. Nhưng thật đáng tiếc khi môn Văn vẫn bị chấm theo đáp án trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Dù bọn em có sáng tạo đến đâu mà vẫn thiếu ý trong đáp án thì vẫn bị điểm thấp.
Trần Tiến Thành
Cần nhân rộng điển hình này trong việc dạy và học!
14/12/2011 13:55:47
Thật đáng hoan nghênh cũng như trân trọng những người giáo viên tận tụy không chỉ vì học trò của mình mà còn vì xã hội như cô giáo Phượng trong việc ra đề văn kiểm tra đối với học sinh rất sáng tạo, thực tế và đầy tâm huyết.
Tôi cho rằng nên nhân rộng và lấy điển hình cách dạy và học của cô giáo Phượng trong tất cả các kỳ kiểm tra, kỳ thi môn văn đối với những hiện tượng, sự việc xung quanh cuộc sống xã hội.
"Văn học là nhân học", quan điểm đó chẳng bao giờ sai lầm và học văn chẳng bao giờ là lỗi thời dù trong bất kỳ thời đại nào. Cần thiết phải làm cho tâm hồn của các em, các cháu phong phú hơn, trong sáng hơn qua từng bài văn kiểm tra. Đó cũng là cách đánh giá thiết thực nhất về suy nghĩ cũng như nhân cách sống của các em.

Minh Vũ
Thật hạnh phúc khi đọc tên cô giáo cũ!
14/12/2011 12:01:14
Đọc thấy tên cô Phượng trên TT, thật cảm động và hạnh phúc. Em là một học trò cũ của cô ở trường Lê Hồng Phong. Em luôn nhớ những giờ văn thật hay, đầy cảm xúc mà cô đã dành cho lớp em ngày đó.
Năm lớp 11, em học ban A (toán lý hóa) nhưng cô đã "bảo lãnh" để em được tham dự kỳ thi Olympic 30-4 toàn miền Nam môn văn, cùng với các bạn ban C và D, dù nhiều thầy cô khác ngần ngại. Niềm tin của cô dành cho một đứa học trò ban A đã giúp em có được chiếc huy chương bạc môn văn năm ấy. Nhiều bài học của cô đã theo em đến tận bây giờ...
Kính chúc cô nhiều sức khỏe, mãi là một cô giáo dạy văn mà chúng em yêu kính suốt đời...

Kim Nhường
Cô giáo kính yêu
14/12/2011 11:15:45
Bản thân là một học trò được cô dìu dắt năm học 12, thời gian đầu tuy học khá văn nhưng toàn nhận điểm thấp nên cũng sốc lắm, về sau điểm mới tiến bộ dần. Chính sự nghiêm khắc và những bài học dạy cách làm người, cách sống đã khơi gợi trong mình nhiều điều tốt đẹp hơn. Đồng thời giúp mình vững vàng hơn trong việc học "môn học tâm hồn" ấy để thi vào cánh cổng đại học ngành báo chí.
Có thể nói, những điểm văn năm học 12 là những điểm văn đúng nhất và được mình trân trọng nhất cuộc đời đi học. Cảm ơn cô vì những điều đã làm cho học trò rất nhiều thế hệ, cô giáo kính yêu!

Nguyễn Thanh Nhi
Cần Nhân rộng.
14/12/2011 11:15:39
Những kỳ thi, kiểm tra hết môn, thi lên cấp... cần nhân rộng hơn nữa biện pháp ra đề như trên vì nó vừa giúp giáo viên hiều rõ được tính cách từng họ sinh mà còn giúp cho học sinh chủ động tư duy. Hy vọng như vậy chất lượng giáo dục sẽ cải tiến.
Duong Hanh
Học làm người
14/12/2011 10:03:57
Theo cô Phượng: “Những bài văn điểm 10 tôi chấm không phải dành cho sự hoàn hảo về cách hành văn mà là sự trân trọng dành cho các em trước một thái độ, một cách suy nghĩ”. Rất đúng! Học văn là học làm người, dạy văn là dạy làm người.
Đao Tiên Sinh

Học văn và Sáng tạo