14 tháng 12, 2011

Nghị luận về những vấn đề thời sự

Chuyện cuộc sống đi vào đề văn
TT - Thái độ vô cảm của thanh niên có nickname “Kẹo mút chơi bời” trên mạng xã hội Facebook và tấm gương về một “trái tim không tật nguyền” của anh Trần Đỗ Huy trên báo Tuổi Trẻ đã đi vào đề kiểm tra văn học kỳ I của học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) vào sáng 13-12.
Nhiều học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết rất hứng thú với đề văn kiểm tra học kỳ I. Trong ảnh: một nhóm học sinh lớp 12 của trường này - Ảnh: NHƯ HÙNG
Cả học trò lẫn giáo viên đã đón nhận đề văn này với nhiều cảm xúc: Nhắc lại thái độ vô cảm của nickname “Kẹo mút chơi bời” về cái chết của một nạn nhân tai nạn giao thông. Và hình ảnh của anh Trần Đỗ Huy - người chỉ còn duy nhất ngón tay út cử động được nhưng đã dành tất cả sức lực, của trái tim còn lành lặn của mình để giúp đỡ cho những số phận tật nguyền khác (Tuổi Trẻ ngày 30-11). Và yêu cầu của đề thi là điều rất mới: “Hai câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về lối sống của một trái tim không tật nguyền?...”.
Đề kiểm tra nhiều cảm xúc
Ra đề văn này là cô Trương Thị Mỹ Phượng, một giáo viên có gần 30 năm dạy văn ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Cô Phượng nói hai câu chuyện cô chọn đưa vào đề thi vì lý do đầu tiên là những câu chuyện đó đã mang lại nhiều cảm xúc trong cô, dù trái ngược nhau khi đọc. Và cô Phượng tin học trò cũng có cùng những cảm xúc ấy như mình. Sự khẳng định ấy đến từ một niềm tin lớn hơn.
Cô Phượng chia sẻ: “Tôi đọc những dòng vô cảm, lạnh lùng của “Kẹo mút chơi bời”, rất giận. Nhưng tôi tin đó chỉ là thiểu số, chỉ là những giây phút điên khùng chứ không phải là mẫu số chung của nhân tâm các bạn trẻ, của những học trò như tôi đang dạy”.
Còn câu chuyện của anh Trần Đỗ Huy, người chỉ còn mỗi ngón tay út lành lặn và nói với mẹ mình rằng sẽ dùng trái tim lành lặn để làm người tử tế, thì: “Tôi muốn khơi gợi trong các em rằng có rất nhiều ngả đường để làm người tốt, đó là cách để các em nuôi dưỡng trái tim mình, không bao giờ để nó tật nguyền - như anh Huy đã làm”.
Trân trọng cách suy nghĩ
Cô giáo Trượng Thị Mỹ Phượng năm nay 52 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 1984 và công tác tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong từ đó đến nay. Trước khi đến với nghề giáo, cô Phượng từng là một người lính quân y và thông tin tại chiến trường Campuchia, đóng quân ở Sisiphone (Battambang) từ năm 1977-1980.
Cô Phượng nổi tiếng là một giáo viên nghiêm khắc, từng cho điểm rất thấp với nhiều bài văn nhưng cũng từng cho không ít điểm 10 mà theo cô Phượng: “Những bài văn điểm 10 tôi chấm không phải dành cho sự hoàn hảo về cách hành văn mà là sự trân trọng dành cho các em trước một thái độ, một cách suy nghĩ”.
Và niềm tin ấy của cô Phượng với các học trò đã không đặt nhầm chỗ. Đề thi yêu cầu chỉ viết trong 400 chữ và barem chỉ là 3 điểm nhưng không ít học trò đã dành nhiều thời gian thi để viết kín hai trang giấy kẻ ngang (giấy thi). Em Lý Nguyên Phi - học sinh lớp 12 chuyên Anh, một trong những học sinh đã viết kín hai trang giấy thi - bày tỏ: “Em đã dành hết nửa thời gian thi (120 phút) để làm câu này bởi câu hỏi rất gần gũi. Chưa bao giờ em làm một đề thi mà lại gặp những chuyện trên Facebook, trên những website của tuổi teen, được viết những suy nghĩ của mình”.
Tương tự, Kiều Vy, học sinh lớp 12 chuyên song ngữ, nói: “Trước đây tụi em cũng từng được làm những đề văn nghị luận về lối sống vô cảm, về đạo lý nhưng đều phải gò vào những khuôn mẫu có sẵn, chứ không phải được viết theo suy nghĩ của mình như lần này”.
Những gì được viết trong bài kiểm tra văn học kỳ I của học sinh khối 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong còn phải đợi các giáo viên chấm bài. Nhưng chỉ sau khi kết thúc buổi kiểm tra vài giờ, nhiều trang Facebook và Twitter của các học sinh vừa làm bài đã tràn ngập những dòng cảm xúc về đề văn này.
Có rất nhiều dòng cảm xúc từ đề kiểm tra văn được các học sinh đưa lên. Và nói như nickname Facebook - Kyoteuk Elf, một học sinh lớp 12 chuyên song ngữ, thì: “Giống như vừa xem một bộ phim mà mình thích ở nhà, giờ lại gặp bộ phim ấy ngay trong đề kiểm tra”.
“Điểm số của các em trong đề kiểm tra này còn phải chờ chấm bài. Nhưng tôi tin đề văn chính là một cuộc trắc nghiệm chính xác về thái độ của học sinh trước sự vô cảm. Và cách các em làm bài, cách các em thổ lộ trên mạng xã hội sau khi làm bài giúp chúng tôi có thể đặt nhiều niềm tin vào các học trò của mình” - cô Triệu Thị Huệ, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Lê Hồng Phong, chia sẻ.
Sẽ còn nhiều đề kiểm tra như vậy
Đây là khẳng định của thầy Võ Anh Dũng - hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong - sau đề kiểm tra văn học kỳ I lớp 12 sáng qua. Thầy Dũng nhìn nhận: “Trước đây, chúng ta thường ra đề gần giống với đề thi đại học, cao đẳng để giúp các em làm quen dần. Nhưng nay đề thi gần gũi với cuộc sống mới quan trọng, thoát khỏi sự gò bó, sự sáng tạo của các em được bày tỏ nhiều hơn. Và chắc chắn sắp tới ở Trường THPT Lê Hồng Phong sẽ còn nhiều đề kiểm tra như vậy”.
Không chỉ học trò mà nhiều đồng nghiệp cùng trường của cô Trương Thị Mỹ Phượng cũng bày tỏ sự đồng cảm và cảm xúc của mình trước đề kiểm tra văn này. Cô giáo Nguyễn Thanh Hà, giáo viên cùng tổ văn với cô Phượng, nhận xét: “Cách cô Phượng dùng một sự việc gần gũi với các học trò để các em bày tỏ suy nghĩ về đạo lý đã thoát khỏi những khuôn mẫu vốn có trong việc dạy văn. Sự đón nhận của học trò với đề kiểm tra này là một kinh nghiệm quý với các giáo viên trẻ như tôi”.
Cô Triệu Thị Huệ - người đã quyết định chọn đề kiểm tra này trong nhiều đề được gửi lên - đánh giá: “Đề kiểm tra này không những gắn với thực tiễn mà có cái hay là vừa quen lại vừa lạ. Quen về vấn đề yêu cầu với học sinh nhưng rất mới về hiện tượng, sự kiện, giúp các em hào hứng, có nhiều cảm xúc khi làm bài”.
Đó là điều mà theo cô Huệ, sự sáng tạo của người ra đề được thể hiện rất rõ. “Nếu không có đủ thực tiễn, không bắt được mạch suy nghĩ của học trò, giáo viên dù chuyên môn giỏi cũng không có được đề kiểm tra để học trò bày tỏ được cảm xúc như thế” - cô Huệ nhận xét.
NGUYỄN VIỄN SỰ
Chia sẻ:
http://tuoitre.vn/Images/bookmark/facebook_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/yahoo.jpg http://tuoitre.vn/Images/bookmark/twitter_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/google_48.png http://tuoitre.vn/Images/bookmark/myspace_48.png
(10)
Mong
14/12/2011 22:31:43
Thật vui vì còn có những giáo viên tâm huyết như cô Phượng, tôi mong sao các giáo viên khác cũng làm được như cô. Tôi mong như thế vì đã gặp một chuyện thật trớ trêu.
Tôi có một bé gái năm nay học lớp 4, vừa rồi cháu gặp đề văn: "Hãy miêu tả món đồ chơi mà em thích". Con tôi rất thích chiếc lồng đèn kéo quân mà trung thu vừa rồi tôi cùng cháu làm. Cháu muốn tả chiếc lồng đèn đó nhưng do còn nhỏ chưa biết cách hành văn, sắp xếp ý và bài làm hơi ngắn nên cô giáo không chịu. Thay vì hướng dẫn con tôi viết lại thì cô giáo mắng cho một hồi rồi bảo cháu lấy văn mẫu ra viết vô liền để cô chấm điểm.
Thật đáng buồn phải không?

tththuy1611@...
Mong chờ
14/12/2011 19:57:08
Em học lớp 11 nhưng nghe các anh chị lớp 12 xôn xao về đề thi lần này của trường mình cũng háo hức chung. Em thấy đề lần này rất hay và giàu ý nghĩa, không chỉ khơi gợi tình cảm nơi học sinh mà còn mở rộng phạm vi trong bài nghị luận xã hội môn văn nữa. "Văn học là nhân học" :). Em mong chờ đề thi năm sau quá!
Nguyễn Quỳnh
Cảm ơn thầy cô
14/12/2011 16:24:53
Tôi đã từng là một học sinh trải qua thời đi học với những bài làm văn hết sức gò bó, theo khuôn mẫu. Các bạn đồng trang lứa của tôi hồi đó cũng ít thấy được sự thú vị trong bộ môn văn. Nhưng giờ đọc bài viết này tôi rất tin tưởng giáo dục Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ thực sự dạy cho các em cách làm, cách sống yêu thương! Xin trân trọng cảm ơn các thầy cô!
Do Hop
Cảm ơn cô!
14/12/2011 13:58:17
Con thật là may mắn khi được cô dạy dỗ trong năm học lớp 11. Những bài học của cô đã dạy cho con cách làm người, cách sống. Nhưng thật đáng tiếc khi môn Văn vẫn bị chấm theo đáp án trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Dù bọn em có sáng tạo đến đâu mà vẫn thiếu ý trong đáp án thì vẫn bị điểm thấp.
Trần Tiến Thành
Cần nhân rộng điển hình này trong việc dạy và học!
14/12/2011 13:55:47
Thật đáng hoan nghênh cũng như trân trọng những người giáo viên tận tụy không chỉ vì học trò của mình mà còn vì xã hội như cô giáo Phượng trong việc ra đề văn kiểm tra đối với học sinh rất sáng tạo, thực tế và đầy tâm huyết.
Tôi cho rằng nên nhân rộng và lấy điển hình cách dạy và học của cô giáo Phượng trong tất cả các kỳ kiểm tra, kỳ thi môn văn đối với những hiện tượng, sự việc xung quanh cuộc sống xã hội.
"Văn học là nhân học", quan điểm đó chẳng bao giờ sai lầm và học văn chẳng bao giờ là lỗi thời dù trong bất kỳ thời đại nào. Cần thiết phải làm cho tâm hồn của các em, các cháu phong phú hơn, trong sáng hơn qua từng bài văn kiểm tra. Đó cũng là cách đánh giá thiết thực nhất về suy nghĩ cũng như nhân cách sống của các em.

Minh Vũ
Thật hạnh phúc khi đọc tên cô giáo cũ!
14/12/2011 12:01:14
Đọc thấy tên cô Phượng trên TT, thật cảm động và hạnh phúc. Em là một học trò cũ của cô ở trường Lê Hồng Phong. Em luôn nhớ những giờ văn thật hay, đầy cảm xúc mà cô đã dành cho lớp em ngày đó.
Năm lớp 11, em học ban A (toán lý hóa) nhưng cô đã "bảo lãnh" để em được tham dự kỳ thi Olympic 30-4 toàn miền Nam môn văn, cùng với các bạn ban C và D, dù nhiều thầy cô khác ngần ngại. Niềm tin của cô dành cho một đứa học trò ban A đã giúp em có được chiếc huy chương bạc môn văn năm ấy. Nhiều bài học của cô đã theo em đến tận bây giờ...
Kính chúc cô nhiều sức khỏe, mãi là một cô giáo dạy văn mà chúng em yêu kính suốt đời...

Kim Nhường
Cô giáo kính yêu
14/12/2011 11:15:45
Bản thân là một học trò được cô dìu dắt năm học 12, thời gian đầu tuy học khá văn nhưng toàn nhận điểm thấp nên cũng sốc lắm, về sau điểm mới tiến bộ dần. Chính sự nghiêm khắc và những bài học dạy cách làm người, cách sống đã khơi gợi trong mình nhiều điều tốt đẹp hơn. Đồng thời giúp mình vững vàng hơn trong việc học "môn học tâm hồn" ấy để thi vào cánh cổng đại học ngành báo chí.
Có thể nói, những điểm văn năm học 12 là những điểm văn đúng nhất và được mình trân trọng nhất cuộc đời đi học. Cảm ơn cô vì những điều đã làm cho học trò rất nhiều thế hệ, cô giáo kính yêu!

Nguyễn Thanh Nhi
Cần Nhân rộng.
14/12/2011 11:15:39
Những kỳ thi, kiểm tra hết môn, thi lên cấp... cần nhân rộng hơn nữa biện pháp ra đề như trên vì nó vừa giúp giáo viên hiều rõ được tính cách từng họ sinh mà còn giúp cho học sinh chủ động tư duy. Hy vọng như vậy chất lượng giáo dục sẽ cải tiến.
Duong Hanh
Học làm người
14/12/2011 10:03:57
Theo cô Phượng: “Những bài văn điểm 10 tôi chấm không phải dành cho sự hoàn hảo về cách hành văn mà là sự trân trọng dành cho các em trước một thái độ, một cách suy nghĩ”. Rất đúng! Học văn là học làm người, dạy văn là dạy làm người.
Đao Tiên Sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét