1 tháng 12, 2012

Lễ và Kiến thức


Tên: Nguyễn Trần Hoàng Chương
Lớp: 10A14
Mã số: 05
Trường: THPT Võ Thị Sáu
“Suy nghĩ của anh/chị về quan điểm học tập “ Tiên học lễ, hậu học văn

Bài làm
“Tiên học lễ, hậu học văn” – sáu chữ trên không có gì xa lạ với người Việt chúng ta vì nó là truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của nhân dân. Chính truyền thống tốt đẹp ấy mà đất nước ta, dân tộc ta đã có nhiều người tài giỏi.

"Lễ" có nghĩa là cách cư xử, giao tiếp có văn hoá, lễ nghĩa, đạo đức, nhân cách, là cái tâm giữa người với người. Hiểu rộng hơn đấy chính là đạo đức nói chung, phải biết kính trên nhường dưới, lấy Nghĩa, Nhân chữ Tín...làm trọng. Còn "văn" là chữ. Hiểu rộng ra là ấy là kiến thức của con người được tích luỹ qua bao thế hệ. "Tiền" và "hậu" ở đây nên hiểu một cách tương đối. Câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn”  có nghĩa là nhấn mạnh việc trước tiên là học đạo đức lễ nghĩa làm người sau đó mới học kiến thức, kỹ năng làm việc và lao động trong cuộc sống. Một con người nhận thức được những điều đó thì sẽ biết kính trên nhường dưới, biết “cảm ơn”, “xin lỗi” đúng lúc, biết phân biệt phải trái để có những hành động đúng mực đối với mọi người, hơn nữa, khi đã được dạy dỗ thì người đó sẽ biết suy nghĩ để làm việc, học tập nghiêm túc, chăm chỉ, không phụ lòng những người đã tin tưởng mình. Đấy là những thể hiện của một con người đã học được chữ “lễ” và chữ “nghĩa”.

Quan điểm coi trọng giáo dục đạo đức, coi trọng việc học để làm người của ông cha ta vẫn còn phù hợp với ngày nay. Vì đạo đức là cái gốc của con người, là thước đo phẩm chất giá trị nhân cách. Từ việc học lễ nghĩa trong nhà trường sẽ giúp cho nhân cách và tài năng phát triển và hướng tài năng vào mục đích sống  tốt đẹp.Con người có đạo đức, biết  sống  có lễ nghĩa thì sẽ được  mọi người yêu mến, kính trọng, tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp, xã hội sẽ ngày càng phát triển, dân giàu nước mạnh. Ví dụ như giáo sư Ngô Bảo Châu, sinh ra trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhờ được giáo dục ý thức từ nhỏ, nên ông đã có thái độ nghiêm túc trong việc học, cùng với sự cố gắng, ông đã thành công ngoài mong đợi. Vậy là đối với một con người, một nền tảng nhân cách tốt sẽ giúp họ có một tiền đồ tươi sáng. Những tấm lòng từ thiện trong các chương trình “ Ngôi nhà mơ ước”, “Vượt qua chính mình”, “Ước mơ của Thúy” đã dem lại màu xanh cho các gia đình, các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hay như người con trai hiếu thảo Diệp Bửu Lộc đã  tình nguyện hiến gan cho mẹ đã làm cho mọi người cảm động....

Thế nhưng cũng không nên cho rằng người xưa chỉ chú trọng đến "lễ" mà quên "văn". Cả "lễ" và "văn" đều quan trọng như nhau, đặt đồng hàng, nhưng khi giáo dục thì phải lấy cái được làm trọng. Nếu một người có học mà không có "lễ" thì người đó được xem như là hạng bất nhân. Và người đào tạo ra học trò đó cực kỳ hổ thẹn. Lịch sử của ta đã ghi lại tên tuổi của nhiều bậc sư biểu, xứng đáng là thầy của muôn đời: Chu Văn An (1293-1370); Nguyễn Bỉnh Khiêm (1409-1595) Nguyễn Thiếp (1723-1804)... học trò của họ, dẫu có thành đạt đến bao nhiêu đi chǎng nữa cũng không bỏ rơi lễ nghĩa, đạo đức với thầy với nhân dân. Chuyện kể rằng, một hôm Phạm Sư Mạnh sau khi đỗ đạt, làm quan to ở triều, về thăm thầy (Chu Văn An). Dọc đường qua khu chợ đang họp, ông để lính thét dân dẹp đường, làm huyên náo. Biết được sự việc, Chu Văn An giận không cho Phạm Sư Mạnh gặp mặt. Quan lớn triều đình phải quỳ xin cả buổi thầy mới tha lỗi. Phải có những người thầy can trực, đạo đức như thế mới có thể đào tạo nên những học trò hữu ích cho đất nước. Bác Hồ từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.  Nhà văn người Nga cũng từng có câu: “Cái tài nhờ cái tâm mà cháy lên, cái tâm nhờ cái tài mà tỏa sáng
Những ý kiến cho rằng tư tưởng “Tiên học lễ, hậu học văn” là của Khổng Tử cách đây hàng ngàn năm là không còn giá trị đối với xã hội ngày nay là không đúng. Thời đại nào cũng coi trọng nhân cách, cái tâm. Thế nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, càng văn minh, con người dường như ít đạo đức, ít quan tâm đến nhau. Học nhiều không có nghĩa là có đạo đức.Tri thức rất cần cho phát triển nhân loại nhưng thiếu đạo đức thì nhân loại sẽ không tồn tại. Khi những làn sóng văn minh đang đổ ập vào nước ta trong thời mở cửa, đề cao quan niệm giáo dục đứng đắn của người xưa là cách thiết thực để kìm hãm những mặt tác hại từ những nước đã phát triển. Nếu chúng ta biết coi trọng chữ “lễ” thì ta sẽ giữ được một tâm hồn cao quý, trong sạch, con người không bị cái ác, cái thấp hèn lấn át. Cuộc sống của chúng ta vẫn còn những kẻ đạo đức giả, cố tỏ ra lễ phép, có tài nhưng sau lưng luôn phá ngầm, gây khó cho người khác, vừa không có đức mà lại không có tài, thật đáng lên án. Tóm lại, nhân cách không tốt thì chỉ kéo theo những hậu quả xấu, những điều không mong muốn

“ Tre già măng mọc” thế hệ sau sẽ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì thế trẻ em phải được gia đình và nhà trường rèn luyện đạo đức từ khi còn nhỏ vì “cây non dễ uốn” . Trong môi trường học đường vẫn còn rất nhiều học sinh vô lễ, không kính trọng thầy cô, không vâng lời cha mẹ, không tôn trọng mọi người, thờ ơ trước nỗi đau của những người xung quanh. Học sinh cần phải thể hiện tốt nề nếp nội quy của nhà trường, kính trọng thầy cô, quan tâm đến những người xung quanh và không ngừng tích cực học tập có văn hóa, trau dồi kiến thức.

Lời dạy “ Tiên học lễ, hậu học văn “là một chân lí vô cùng quý báu. Chúng ta hãy cố gắng rèn luyện đạo đức để trở thành những người công dân hữu ích góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

                                                                                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét