12 tháng 10, 2012

Học lực và Hạnh kiểm trong trường THPT


Tên: Nguyễn Diệu Hiền (11) Lớp:10A1
Đề: Suy nghĩ của anh (chị) về mối quan hệ giữa kết quả học tập và việc rèn luyện hạnh kiểm trong nhà trường phổ thông
Bài làm
Trong nhà trường phổ thông, kết quả học tập và việc rèn luyện hạnh kiểm là hai điều vô cùng khác biệt cả về ý nghĩa và trong hành động thực tế. Tuy nhiên chúng luôn đi đôi với nhau và có mối quan hệ chặt chẽ. Vậy mối liên hệ đó là gì, có đem đến cho học sinh những điều bổ ích được hay không?
Xét định nghĩa, kết quả học tập chính là những kiến thức đã gặt hái được sau quá trình tiếp thu và tích lũy từ thầy cô, bạn bè và môi trường xung quanh. Còn rèn luyện hạnh kiểm là một quá trình bồi dưỡng thái độ chấp hành những nội quy chung của cộng đồng nhà trường và lớp học, về lối ứng xử, giao tiếp với bậc thầy cô, với bạn đồng lứa. Từ đây, dù có sự khác biệt nhưng cả hai lại có mối quan hệ vô cùng mật thiết.
Thật vậy, bởi nếu kết quả học tập tốt thì việc rèn luyện hạnh kiểm cũng trở nên khả quan và mang lại những kỹ năng sống cần thiết trong tương lai. Ngược lại cũng vậy. Ví như với nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà giáo dục vĩ đại của Trung Quốc Thời cổ đại Khổng Tử. Chính sự đề cao những mối quan hệ xã hội, sự kỉ luật trong cộng đồng và quy luật tự nhiên giữa con người và tôn giáo, ông đã cho ra nhiều bài giảng đạo lí, trong đó có Ngũ kinh được xem là tập trung tất cả những quan điểm triết học cốt yếu của loài người cả xưa và nay. Từ những bài học trên, nếu học sinh tiếp thu tốt vốn kiến thức này, các bạn vừa có thể đạt được kết quả học tốt vừa tăng thêm cơ hội rèn luyện kỉ luật với cộng đồng, cách ứng xử với bậc bề trên hoặc đồng trang lứa…Qua đây, mối quan hệ giữa kết quả học tập và rèn luyện hạnh kiểm ngày càng gần hơn.
Ngoài ra, nếu vừa đạt được những kết quả học tập tốt vừa có sự rèn luyện hạnh kiểm đúng đắn với yêu cầu nhà trường, các bạn học sinh sẽ luôn nắm được những kĩ năng sống, điều mật thiết trên đường đời để trở thành các phần tử có ích của nhà trường nói riêng và xã hội nói chung. Nhưng bên cạnh đó có một số học sinh tuy vẫn còn ngồi ghế nhà trường nhưng ngày càng tạo ra khoảng cách giữa học tập và hạnh kiểm. Họ dù là các học sinh ưu tú về học tập mà lại hoàn toàn bỏ quên đi lối rèn luyện hạnh kiểm bản thân. Từ đấy mà nảy sinh ra nhiều thói vô kỉ luật, thiếu đạo đức, rất đáng trách.
Vì vậy, để mang đến lợi ích chung của nhà trường, nền giáo dục của đất nước và cả xã hội, học sinh chúng ta cần phải vừa kết hợp giữa học và lối ứng xử lễ phép với thầy cô, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy nhà trường một cách kỉ luật…Từ đấy ta đã tạo ra mối quan hệ giữa kết quả học tập và sự rèn luyện hạnh kiểm của bản thân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét