12 tháng 10, 2012

Tài-Đức














Đề 2: Cảm nhận của anh chị về mối quan hệ giữa tài và đức trong cuộc sống.
Bài làm
Trong xã hội hiện nay, ta thấy thật khó để tìm kiếm một người có ích cho xã hội. Họ phải là một con người có tài đức vẹn toàn, nhưng hầu hết những người có tài thì không có đức và ngược lại.
Vậy "tài và đức" là gì? Tài chính là tài năng, là kiến thức, là hiểu biết, là kĩ năng , kĩ xảo, là kinh nghiệm sống để con người có thể hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn, những tình huống phức tạp. Tài được biểu hiện trong lao động chân tay và lao động trí óc.
Đức chính là đạo đức, phẩm chất đạo đức, nhân cách một con người.Người có đức biết tôn trọng và bảo vệ chân lí, dám đấu tranh với sai lầm, sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân vì quyền lợi của tập thể.
Tài và đức là những phẩm chất khác nhau nhưng luôn luôn gắn bó mật thiết không thể tách rời. Có tài mà không có đức là người vô dụng, bởi tài năng đó không phục vụ cho nhân dân mà chỉ mưu cầu lợi ích cho cá nhân thì cũng trở nên vô giá trị.Họ sẽ không trở thành những con người trọn vẹn. Bởi vì họ có thể được nhiều người nể phục nhưng dễ trở nên kiêu căng, ngạo mạn, độc ác, dễ trở thành kẻ xấu xa, nguy hiểm cho gia đình, xã hội, con người. Và họ không những là con người vô giá trị mà còn là con người có tội.
Nhưng nếu chỉ có đức mà không có tài thì cũng không phải là con người trọn vẹn. Có đức tức là có khát vọng hành động, mong muốn cống hiến lợi ích cho mọi người nhưng kiến thức ít ỏi và năng lực kém cỏi thì những ý định dù tốt đến đâu cũng không trở thành hiện thực. Tài năng giúp cho con người lao động có hiệu quả. Thiếu tài năng, con người ta phải lao động rất vất vả mà hiệu quả công việ c lại không cao. Họ có thể được nhiều người kính trọng nhưng không có tài họ thường khó thực hiện được chức trách, khó hoàn thành được những nhiệm vụ được giao phó và khó có kết quả cao trong công việc.
Đức và tài có mối quan hệ gắn bó với nhau. Hai phẩm chất này bổ sung hỗ trợ cho nhau để con người trở thành toàn diện, đạt hiệu quả cao trong quá trình làm việc và cống hiến. Đức là nền tảng giúp cho tài bay cao vững chắc. Thiếu đức, tài sẽ giống như quả bóng không được sợi dây níu giữ lại: quả bóng càng bay cao càng dễ vỡ, quả bóng mang độc tố càng bay cao càng nguy hiểm. Đức giúp tài được nâng cao giá trị của sự tài ba. Có tài, tấm gương sáng của đức lại càng thêm tỏa sáng. Như c Hồ đã từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Chính vì thế, thiếu “đức” con người trở thành “vô dụng”, thiếu “tài”, người ta “làm việc gì cũng khó”. Ngày nay, mỗi chúng ta cần có đủ đạo đức và tài năng. Xã hội có phát triển và tồn tại vững bền, hạnh phúc là tùy thuộc vào nhận thức đúng sai về tài và đức của con người. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ỷ mình có tài mà làm nhiều chuyện xấu, gây tệ nạn xã hội. Về nhận thức: thấy được mối quan hệ gắn bó giữa tài và đức ngày nay. Tài là kĩ năng nghề nghiệp, là óc sáng tạo, đức là phẩm chất của tốt đẹp của con người luôn phấn đấu vì những lí tưởng cao đẹp. Về tình cảm: tình cảm làm cơ sở cho sự rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng cho đức và tài là tình cảm chân thật yêu nước, yêu người.chỉ cần có quyết tâm, phấn đấu, rèn luyện bản thân để trở thành người thật sự có tài và có đức góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Nói tóm lại, giữa “tài” và”đức’ như hai anh em với nhau. Và để trở thành công dân hữu ích, học sinh chúng ta là những chủ nhân tương lai của đất nước ngay từ bây giờ cần phải rèn luyện đạo đức, tính cách, và chúng ta cần phải không ngừng học tập. Như vậy mới có đủ “tài” và “đức” tiêu chuẩn của con người mới như Bác Hồ hằng mơ ước.
Tên: Nghiêm Khắc Đạt
Lớp: 10A1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét